Đâu là giới hạn của cơ thể?

Những cái chết khi hoạt động thể thao quá giới hạn của cơ thể đã không còn là chuyện hiếm. Và điều đó có thuần túy là câu chuyện tai nạn hay không?

Cuối tuần vừa rồi, trong một hoạt động thể thao, tôi có cơ hội nói chuyện với người bạn là bác sỹ về xương và chấn thương chỉnh hình, đang công tác tại một bệnh viện trung ương ở Hà Nội.

Câu chuyện của chúng tôi có chủ đề về tập luyện thể thao. Sau đó, câu chuyện dần liên quan đến chuyên môn của vị bác sỹ đó, cũng như những điều mà tôi từng e ngại lâu nay – đó là chấn thương với những người tập luyện thể thao tại các đô thị.

Ảnh nh họa: Freepik

Nếu bạn là cư dân đô thị, bạn yêu thích thể thao, yêu thích chạy bộ, tôi sẽ không ngạc nhiên khi bạn từng tham gia các giải chạy marathon. Giờ đây, Hà Nội có lẽ là một trong những thành phố có nhiều giải chạy marathon nhất trên thế giới, với số lượng người đến với môn chạy bộ và tham gia các giải chạy marathon ngày càng tăng cao.

Đối với những người chạy bộ, luôn có những giới hạn hoặc kỷ lục cá nhân mà họ muốn chinh phục. Việc vượt qua giới hạn đó được họ coi như một thành tựu. Thế nhưng, mặt trái của nó là đã có không ít vụ tai nạn, đã có người tàn tật, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng sau khi bị chấn thương.

Những tác động không đáng có trong quá trình tập luyện thể thao, hoặc cố gắng vượt qua giới hạn, đã khiến họ đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, về tim mạch, việc hoạt động quá sức có thể dẫn đến chấn thương rất nặng.

Ngoài ra, có không ít người phải chịu những chấn thương dai dẳng về xương khớp, đặc biệt là khớp gối. Và một trong những chấn thương khá phổ biến là xẹp đĩa đệm, ảnh hưởng đến sụn chêm đầu gối… khó có thể hồi phục hoàn toàn.

Vị bác sỹ kia cũng đưa ra một quan điểm mà tôi rất tán đồng, đó là con người được sinh ra không phải là để chạy nhanh. Việc liên tục ép cơ thể phải chạy trong một thời gian dài, một quãng đường dài, tất nhiên sẽ có những tác động ngược trở lại.

“Lo ngại đó rất có lí và cũng rất ít người để ý. Khi tôi cảnh báo, ngay cả bạn bè tôi cũng gần như đã bỏ qua và nói vui là bác sỹ như tôi nhìn đâu cũng thấy bệnh”, người bạn của tôi chia sẻ.

Ảnh nh họa: Leep

Nhưng rõ ràng, việc không để ý đến những nguy cơ đó, dẫn đến việc mọi người có thể bị chấn thương không đáng có.

Tôi nghĩ, đã đến lúc, việc đảm bảo an toàn cho những người tập thể thao cần phải có sự quan tâm không chỉ từ cơ quan chuyên môn, mà trước hết là của chính những người tham gia tập luyện.

Các bạn tập luyện là tốt, nhưng các bạn nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia, bác sỹ xem thể trạng của bạn sẽ phù hợp với môn thể thao nào? Về mặt xương khớp, tim mạch của bạn sẽ tập luyện với cường độ ra sao?

Giới hạn của chúng ta không chỉ là có thể chạy được 21 km, 42 km, chạy được trong thời gian bao lâu, mà còn có những giới hạn quan trọng khác như: sức chịu đựng của đầu gối, sức chịu đựng của tim… và rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nữa.

Trước khi quyết định tập luyện một môn thể thao nào đó, hãy tìm hiểu và tham vấn ý kiến của các bác sỹ. Hãy kiểm tra sức khỏe thường xuyên để biết giới hạn của bạn đến đâu, thế nào là giới hạn an toàn.

Vì có những chấn thương nếu đã xảy ra rồi thì chúng ta mới thấy tiếc nuối vì không thể nào hồi phục được như ban đầu!.