Đâu là động lực để kinh tế Việt Nam bứt tốc năm 2024 (Kỳ 2)

Theo các chuyên gia, bên cạnh khai thác hiệu quả các động lực mới thì cũng cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ, đặc biệt là giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong nước.

Năm 2023, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Đề cập sự kỳ vọng cải thiện trong nhu cầu nội địa, ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối nghiên cứu kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC cho rằng: "Chúng tôi kỳ vọng có sự cải thiện rõ ràng trong nhu cầu nội địa phần lớn là nhờ sự can thiệp của chính sách. Trong đó phải kể đến sự can thiệp của ngân hàng nhà nước để cắt giảm lãi suất doanh nghiệp, chính sách tài khoá tăng cường hơn nữa và chi tiêu vào cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP".

Đứng trước những cơ hội này, để làm chủ được sân chơi của chính mình, từ đó thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam bền vững, các doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực đổi mới, tìm tòi, kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt, từ đó có xây dựng được những kế hoạch - chiến lược hiệu quả.

Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng: "Bản thân doanh nghiệp phải đổi mới mình, không thể theo cách truyền thống mà cũ kỹ ngày xưa được. Thứ hai nữa là phải đưa những kiến thức mới nhất vào để quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp trao dồi kiến thức mà bản thân doanh nghiệp phải đầu tư, phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ. Thứ ba là phải nắm bắt nhanh thông tin thị trường hàng hóa, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, đấy là những vấn đề mà chúng tôi nghĩ rằng là các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển là phải phối hợp hài hòa".

Theo thống kê, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60%-65% GDP; trong đó, chi tiêu hộ gia đình khoảng 50%-55% GDP. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng mới hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất những sản phẩm có lợi thế.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng: "Các doanh nghiệp cần nắm vững và chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong nước vì với 100 triệu dân, với thu nhập tăng thêm rất nhanh, nhu cầu hàng hóa đang tăng rất cao, nếu chúng ta đáp ứng được thì thực tế là sản xuất kinh doanh của chúng ta sẽ quay trở lại rất tốt. Đây là động lực rất quan trọng để có thể phát triển bền vững trong tương lai".

Mặc dù vị thế ngày càng được khẳng định trong thời gian qua nhưng hàng Việt vẫn đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Nhiều mặt hàng ngoại nhập có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) có hiệu lực.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài, trong đó, cần chú trọng đẩy mạnh những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.

"Phải thúc đẩy những nền tảng để chuẩn bị cho những điều kiện, thông qua những lĩnh vực khác, thông qua kết nối khác, ví dụ như phương tiện thanh toán. Chúng tôi nghĩ rằng là những thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiền mặt, phải đảm bảo rằng là hiệu quả của quá trình lưu chuyển tiền tệ thì phải chuẩn bị cho những nền tảng đó. Tiếp theo là những kết nối, liên quan lĩnh vực logistics thì bản thân lĩnh vực logistics phân phối cũng phải có một mức độ phát triển nhất định".

Theo các chuyên gia, cần nâng cao hiệu quả của các chính sách về kích cầu tiêu dùng và đa dạng hóa các kênh bán hàng - chú trọng nhiều hơn nữa kênh mua sắm trực tuyến. Xu hướng này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí kinh doanh, giữ vững thị phần và từng bước tăng doanh thu.

Thông tin thị trường trong nước

Ảnh: Quân đội nhân dân

# Giá vàng trong nước bất ngờ tăng mạnh với mức tăng cao nhất là 800.000 đồng vượt ngưỡng 75 triệu đồng/lượng bán ra. Trước đó, phiên 11/1, loại vàng này cũng đã tăng 1-1,5 triệu đồng/lượng.

Cũng trong ngày hôm nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng mạnh, có nhà băng tăng hơn 100 đồng. Giá bán ra USD tại ngân hàng vượt mốc 24.700 đồng/USD.

# Trái ngược với đà tăng của giá vàng, giá USD, nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà ngay từ những ngày đầu năm 2024, với mức giảm lên đến 2%.

Theo đó, Agribank đưa lãi suất cho vay mua nhà về mức 7%/năm trong vòng 1-2 năm đầu.Trong khi đó, BIDV đưa mức lãi suất cho vay mua nhà xuống quanh 6,5%/năm. VietinBank ở mức 6,4% một năm, áp dụng trong thời gian đầu được ưu đãi lãi suất.

# Bên cạnh đó, thị trường bất động sản xuất hiện nhiều nhiều dấu hiệu tích cực khi  tổng lượng giao dịch bất động sản 6 tháng cuối năm bằng khoảng 113 % (tăng 13%) so với nửa đầu năm 2023. Đây là khẳng định của Bộ Xây dựng tại buổi họp báo quý IV/2023 vừa  diễn ra chiều nay.

Đáng chú ý, trong quý IV/2023, nguồn cung bất động sản có sự chuyển biến theo xu hướng tăng. Theo đó, số lượng dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai bằng 104,26% so với Quý III/2023.

# Khác với không khí vắng vẻ, ế ẩm cách đây hai tuần, thời gian này, nhiều quầy hàng tại chợ, trung tâm thương mại ở TPHCM bắt đầu nhộn nhịp, sức mua hàng Tết nóng lên từng ngày

Cũng tại khu vực phía Nam, những ngày đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh tại các tỉnh, thành phía Nam có nhiều tín hiệu khởi sắc khi nhiều doanh nghiệp tìm được đơn hàng ổn định và ồ ạt tuyển dụng lao động.

Thông tin thị trường chứng khoán

# Áp lực bán chiếm ưu thế rõ rệt trong phiên cuối tuần với 380 mã giảm trên HOSE. Đóng cửa, VNIndex giảm 7,5 điểm (-0,65%), lùi về ngưỡng 1.154,7 điểm.

Hầu hết nhóm ngành đều có phiên điều chỉnh khá, nhất là nhóm Vật liệu xây dựng, Phân bón, Bất động sản, Thép – Tôn mạ, Dầu khí.

# Dù vẫn trong trạng thái phân hóa, nhưng nhìn chung nhóm Ngân hàng tiếp tục hút tiền và góp phần nâng đỡ chỉ số. Các mã nổi trội như MBB, ACB, CTG, TCB …đều hồi phục tích cực từ vùng giá thấp trong phiên.