Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Đâu là động lực để kinh tế Việt Nam bứt tốc năm 2024 (Kỳ 1)

Như Ngọc - Thùy Linh: Thứ năm 11/01/2024, 21:00 (GMT+7)

Năm 2024 là năm áp chót của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn 2021 – 2025. Nếu không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5% trong năm nay thì mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Bên cạnh những động lực tăng trưởng sẵn có, kinh tế Việt Nam 2024 được các chuyên gia nhận định có nhiều động lực tăng trưởng mới. Đó là gì và làm sao để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới? 

Tại Diễn đàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 diễn ra hôm nay tại Hà Nội, các chuyên gia đều chung nhận định, tình hình kinh tế thế giới có bước khởi sắc sẽ tác động đáng kể tới kinh tế Việt Nam. Đáng nói, xuất hiện những động lực mới giúp kinh tế của Việt Nam có thể bứt tốc trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh chính là một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức lớn khi tận dụng động lực tăng trưởng này. Nó phụ thuộc năng lực của nền kinh tế cũng như tính tuân thủ và đáp ứng các quy định mới của thị trường nhập khẩu đối với các sản phẩm hàng hoá của các ngành hàng và doanh nghiệp từ Việt Nam.

Có thể thấy tiêu chí chọn mua và nhập khẩu hàng hoá tại các thị trường trên thế giới đã có sự thay đổi đáng kể. Nhận định của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường: "Biên giới carbon đã đi vào hiệu lực từ 1.10.2023; quy định về chống mất rừng sẽ có hiệu lực vào 1.1.2025; sắp tới thế giới cũng sẽ tiếp tục ban hành quy định về dấu chân nhựa và biên giới nhựa. Chính vì vậy việc chuyển đổi của chúng ta là bắt buộc, doanh nghiệp cần thực hiện."

Ảnh minh họa: CafeF

Ảnh minh họa: CafeF

Nếu như trước đây thứ tự đáp ứng là tiêu chí chất lượng, giá cả thì nay là khí hậu, chất lượng, môi trường, giá cả. Như vậy, giờ đây không phải cứ có năng lực sản xuất là có thể bán được hàng. Nếu không chuyển đổi xanh để tuân thủ các quy định của các nhà nhập khẩu, các DN xuất khẩu của VN sẽ trở nên yếu thế thậm chí mất thị trường. Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết thêm:

"Năm 2024 có lẽ cũng là năm bản lề cho những quy định mới của các nhà nhập khẩu các nhãn hàng khắp nơi trên thế giới. Đầu tiên họ có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Trước kia chúng tôi chỉ bán hàng cho các thương hiệu thời trang và họ bán cho người tiêu dùng. Nay trách nhiệm mở rộng được định nghĩa thêm là những nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm tới tận người tiêu dùng cuối cùng. Cuối cùng là những yêu cầu về sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị ESG."

Không chỉ EU ban hành các chính sách khắt khe hơn về tiêu chuẩn xanh và bền vững, quốc hội Mỹ cũng đã thông qua quy định về công nghiệp sạch. Theo quy định này Mỹ cũng sẽ áp dụng biên giới carbon tương tự Châu Âu. Nhiều quốc gia phát triển khác cũng đang khẩn trương nghiên cứu để áp dụng. Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương thông tin:

"Những doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động, tài nguyên thiên nhiên phải nhanh chóng hoàn thiện lại hệ thống kiểm soát nội bộ cảu mình để giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ cho những quy định mới của các nước nhập khẩu do hàng rào kỹ thuật họ mới dựng lên."

Có thể thấy 10 năm trước, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng công nghệ số đã tác động mạnh mẽ tới cấu trúc kinh tế thế giới và cuộc sống của con người thì nay nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của toàn cầu. Theo đó tốc độ chuyển đổi xanh hiện nay và thời gian tới sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh giữa các nền kinh tế và giữa các doanh nghiệp.

20

Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã nhận thức sớm vấn đề này. Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường:

"Đây cũng là thách thưc rất lớn của VN khi trình độ phát triển thấp thì có ba cái thách thức lớn nhất. Thứ nhất là tài chính, thứ hai là chuyển giao công nghệ, thứ ba là nâng cao năng lực. Việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi carbon thấp phụ thuộc rất lớn vào chuyển đổi số."

Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm và tiếp cận các nguồn tài chính xanh, tài chính khí hậu từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh các tổ chức tài chính quốc tế, các ngân hàng tại Việt Nam cũng đang xây dựng nhiều chính sách để đồng hành cùng DN trong quá trình chuyển đổi xanh. Chia sẻ của bà Từ Thị Kim Thanh – Thành viên Hội đồng thành viên Agribank:

"Agribank luôn tiên phong và tích cực trong việc thực hiện chỉ đạo của chính phủ và NHNN về phát triển tín dụng xanh, về quản lý rủi ro môi trường xã hội trong cấp tín dụng với mong muốn xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn phát triển bền vững. Trong lĩnh vực tín dụng xanh chúng tôi tập trung cho vay nông nghiệp xanh sạch, lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch."

Rõ ràng các động lực và áp lực thực hiện chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi carbon rác thải nhựa là phục vụ mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên nếu không thực hiện ngay thì các doanh nghiệp sẽ khó có thể đáp ứng đang và sẽ áp dụng tại các thị trường.

Như Ngọc - Thùy Linh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn