Trung tuần tháng 8/2024 xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng ở Hà Giang. Chiếc ô tô 5 chỗ bị lỗi hệ thống, bất ngờ lao xuống vực cháy trơ khung, 1 giám đốc bị thương nặng, 1 thư ký tử vong. Thông tin này khiến hàng trăm người cao tuổi, thương bệnh binh, người lâm bệnh nặng ở Hà Nội rúng động.
Bởi lẽ, họ đang gửi đơn tố giác khắp nơi về dấu hiệu bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ chính các công ty của hai nhân vật trong vụ tai nạn.
Hàng trăm tỷ đồng cùng giấc mơ độc lập tài chính, không phụ thuộc con cháu, đứng trước nguy cơ tan vỡ. Vì sao người già, người neo đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo lại nhẹ dạ tin vào những dự án “bánh vẽ”, những bản hợp đồng huy động vốn dưới vỏ bọc “đầu tư”, “cho vay”, “gửi tiết kiệm” kèm lãi suất, tiền thưởng cao phi lý?
Lá đơn cầu cứu tập thể của hơn 50 người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội gửi tới VOV Giao thông đã thôi thúc nhóm phóng viên vào cuộc tìm hiểu bản chất câu chuyện.
*Lưu ý: Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
"Tôi nhặt được tờ rơi, tôi xem thì nghĩ mình có ít tiền tiết kiệm để gửi vào lấy lãi suất cao hơn ngân hàng, có sâm để uống, chỉ vì thế nên tin tưởng. Tôi gửi hết vào đấy 560 triệu, cả đời tiết kiệm được ngần đấy" - Làm nghề bán hàng rong trên phố Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm), bà Hoàng Thị Mơ (75 tuổi) vẫn là trụ cột lao động chính trong nhà. Chồng sống phụ thuộc, con trai cả bị thần kinh gửi vào trại Trâu Quỳ, con gái thứ có chồng bị suy thận. Vậy mà chỉ vì một tờ rơi với hứa hẹn lãi suất siêu hấp dẫn, thấy người khác tham gia, bà Hoàng Thị Mơ cũng đi “đầu tư”.
Với kỳ vọng đời sống đỡ vất vả, bà dốc sạch vàng, tiền tiết kiệm cả đời được 560 triệu đồng gửi vào công ty TNHH MTV ATBank, Công ty TNHH An toàn thực phẩm Hà Nội, Công ty TNHH bảo hiểm sâm do ông Nguyễn Đức Toản làm giám đốc, đại diện pháp luật.
Sau 3 lần nhận tiền lãi và thưởng, đến đầu năm 2023 đến nay, bà không còn nhận được bất cứ đồng nào theo hợp đồng đã ký:
“Tôi nhận được 2 lần lãi, mỗi lần nhận được 700 nghìn đến 800 nghìn, 1 lần 10 triệu. Còn 1 lần gửi nữa là tôi gửi 120 triệu tiền của tôi nhưng lấy tên của con gái để gửi, tôi vẫn giấu nó, không dám nói. Mọi người cũng gửi vào đó, tin tưởng quá nên bị mắc lừa nên khổ. Tôi đi bán rau ngày nhiều nhất được 30 nghìn, 40 nghìn, còn hôm nào ế rau thì lỗ vốn. Bây giờ tôi quá khổ rồi, không có tiền cho con đi viện".
Sở dĩ bà Mơ gửi tiền của mình nhưng dùng tên con gái là do các công ty của ông Nguyễn Đức Toản huy động vốn theo mô hình đa cấp. Người vào trước giới thiệu người vào sau sẽ được hưởng “hoa hồng”. Ngoài mức lãi suất cao hơn ngân hàng, khoảng 9,5%/năm, còn có tiền thưởng cả chục triệu đồng nếu giới thiệu được người khác ký hợp đồng “gửi tiền”, “đầu tư”.
Ông Phạm Ngọc Thắng (ở Tân Mai, quận Hoàng Mai), một quân nhân nghỉ hưu cho biết, gia đình ông được nhà hàng xóm rủ nghe hội thảo của công ty An toàn thực phẩm Hà Nội, nên quyết định “đầu tư” vào đó khoảng 1 tỷ đồng, gồm nhiều hợp đồng với nhiều tên khác nhau. Mỗi hội thảo có khoảng 50 người, đều là người cao tuổi, thương bệnh binh, hưu trí.
Tôi xét thấy đây là 1 vụ đa cấp lừa đảo vì bản thân gia đình tôi đầu tư vào đấy có hợp đồng, có chữ ký và hứa 2 tháng thu cả lãi, cả gốc đầu tư vào, nhưng thực tế đến giờ hơn 1 năm không có đồng nào, điện thoại không nghe, không gặp được. Những người đầu tư vào đây có đến căng băng rôn, anh ấy cũng chuyển rất nhiều nơi và nơi gần nhất là có thuê UBND phường ở Sơn Tây.
Với hứa hẹn lãi suất hấp dẫn, nếu giới thiệu người đóng tiền, mua hàng sẽ được thưởng thêm 10-12%, hai vợ chồng bà Đào Thị Thắm, bán rau ở quận Cầu Giấy, đã rút hết sổ tiết kiệm, vay lãi cả của Hội phụ nữ phường để đóng theo các hợp đồng với tổng số tiền 950 triệu đồng.
“Cứ hàng tháng, mình đưa hóa đơn thu tiền ra thì họ chi trả mình. Nếu đóng 300 triệu đồng thì 1 tháng được 5,5 triệu đồng. Đến thời điểm ngày đáo hạn, được lên lấy lãi thì mới biết nhiều người nói từ tháng trước đã không trả lãi nữa. Tôi không cho các con biết, đến giờ kiệt quệ quá rồi, các con mới hỏi tiền tiết kiệm của bố mẹ đâu thì mới phải nói thật là lấy tiền để đóng vào Công ty An toàn thực phẩm Hà Nội để lấy lãi hàng tháng. Bây giờ bị lừa, không còn đồng nào. Thậm chí giờ muốn mua thuốc ốm đau cũng không có, ăn cũng không có, giờ chỉ lo đi làm thuê, ai mướn thì đi làm để lo tiền lãi cho hội phụ nữ hàng tháng”.
Câu chuyện của ông Phạm Phú Lâm, bệnh nhân ung thư 81 tuổi, phần nào lý giải ông Nguyễn Đức Toản và bộ sậu ở các công ty, tổ chức của mình có thể thuyết phục được nhiều người tham gia gửi tiền, góp vốn đầu tư. Họ đánh vào lòng trắc ẩn, lĩnh vực sức khỏe, tâm linh, kinh tế, những khía cạnh người cao tuổi dễ bị khai thác. Đó là các dự án trồng sâm, xây tháp sinh phần, mời chào làm cộng tác viên bán hàng, trở thành nhà đầu tư với lãi suất cao…
"Từ vợ tôi chơi với 1 số người bạn bè rủ nhau đi nên tôi đi cùng các bà ý. Sau đấy thì thấy anh Toản là giám đốc, nói về tương lai sâm Ngọc Linh, xóa đói giảm nghèo đối với bà con thiểu số ở Hà Giang. Tôi nghe rất vui và phấn khởi, sau đó nói đến việc chăm sóc người già bệnh và ung thư. Tôi là người bị ung thư đã mổ từ năm 2018 rồi. Bà vợ tôi rủ nên đó từ năm 2021 mà tôi thấy cũng hay, hào hứng nên tôi vui vẻ tham gia", ông Phạm Phú Lâm kể.
Tháng 11/2021, ông Lâm ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe thời hạn 12 tháng, trị giá 120 triệu đồng. Sau đó, ông, vợ, cùng 2 vợ chồng em ruột, con dâu ký 18 hợp đồng, tổng cộng 1,77 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2023, các công ty của ông Nguyễn Đức Toản có dấu hiệu tăng lãi suất để đẩy mạnh huy động. Ngày 9/8/2023, tất cả đều ngã ngửa khi mọi khoản thanh toán bị dừng, trụ sở các công ty ở 106 Hoàng Quốc Việt đóng cửa.
“Anh Toản làm thêm cả bảo hiểm AIA, thơ phú rất nhiều. Anh ấy cũng dẫn dắt mọi người có logic lắm, không có gì để mình có thể nghi kị anh ấy cả. Tôi thì không theo tâm linh, nhưng mà những người tin vào tâm linh mà tổ chức như thế là có lòng nên rất tin. Ngoài ra trong các cuộc tổ chức, anh ta chào cờ rất đàng hoàng, mình cảm thấy nghỉ hưu mà có chỗ chơi thấy yên tâm, có tổ chức. Nhưng đoạn cuối anh Toản tăng mức lãi rất cao, mọi người đổ xô tham gia nhiều, trong giai đoạn đó đẻ ra hình thức ô ăn quan, là hết quan tàn dân, hết quân thu về. Đến hạn thu về thì anh ấy đóng lại, không thanh toán nữa. Tôi tin chắc là lừa đảo rồi”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích: Những trường hợp người cao tuổi vừa nêu không phải hiếm gặp. Họ là nạn nhân của hoạt động kinh doanh đa cấp bị lạm dụng, biến tướng.
“Nó chỉ còn vỏ hoặc hình thức nào đó của đa cấp mà bản chất của nó thì không phải như vậy, không còn kinh doanh nữa, chỉ còn vấn đề thu hút dòng tiền. Tất cả xoanh quanh dòng tiền của người đóng mà không còn bám vào hoạt động kinh doanh. Đây là 1 trong những biến dạng mà cần phải ngăn chặn nhất của kinh doanh đa cấp ở Việt Nam”.
Theo đơn cầu cứu của gần 100 người cao tuổi ở Hà Nội gửi tới kênh VOV Giao thông, họ đang bị chiếm đoạt trái phép tổng số tiền khoảng 50 tỷ đồng. Nếu tính tất cả người tham gia gửi tiền, tổng số tiền các công ty của ông Nguyễn Đức Toản huy động lên tới gần 400 tỷ đồng. Khi lên tiếng, gửi đơn tố cáo, một số người còn bị “xã hội đen” gọi điện đe dọa, chửi bới.
Vậy, những công ty này đã và đang thực hiện việc gì mà cần huy động số tiền lớn như vậy? Có hay không việc vẽ ra dự án “ma” để tạo dựng niềm tin cho đối tác gửi tiền? Những dự án này thực sự là gì? Chân dung ông Nguyễn Đức Toản là ai? Những nhân viên cấp cao trong tháp đa cấp mà ông ta vẽ ra nói gì về ông ta?
Những người già yếu, bệnh tật, neo đơn đang là “con mồi” được nhiều tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực tài chính nhắm đến. Vì sao một nhóm người có thể dụ dỗ được hàng trăm nạn nhân ở Hà Nội, trong đó có cả người bán hàng rong, người ung thư, cựu thương bệnh binh, tham gia gửi tiền, đầu tư góp vốn hàng trăm tỷ đồng?
Cách thức hoạt động, những chiêu trò, tiểu xảo của họ như thế nào? Chân dung người có dấu hiệu của một “siêu lừa” là ai? Vì sao kế hoạch trả nợ theo hợp đồng đã ký với các nạn nhân bị phá sản là… tất yếu?
“Con đã xin lỗi rồi, không chỉ cô đâu, mà nhiều người lỡ dở như vậy. Một lần nữa, con chia sẻ thế này, giả sử con không đứng đây, con trốn đi đâu, 6 tháng sau công an mới lôi về đây, thì công việc vẫn lỡ dở như thế. Con không dám so sánh, nhưng mọi người nên hiểu trong hoàn cảnh như vậy thì cố giúp chúng con. Con còn đứng đây là giải quyết được, có khi 3 tháng thôi, chứ không phải 6 tháng. Cho con khoảng thời gian 6 tháng để con yên tâm lập kế hoạch, để chúng ta vẫn hoạt động. Còn làm thế nào để lấy được tiền? Dạ thưa, không chỉ tiền, còn tiền lãi, sâm, an cung nữa. Chỉ cần giúp chúng con mời khách lên hoạt động. Thế là xong”.
Đó là chia sẻ mang tính thao túng tâm lý nhằm “hoãn binh” của ông Nguyễn Đức Toản, giám đốc các công ty TNHH An toàn thực phẩm Hà Nội, TNHH MTV AT Bank, TNHH đại lý bảo hiểm sâm. Phát ngôn này được ông ta đưa ra vào ngày 18/8/2023. 1 năm sau, vẫn chưa có tiến triển nào về việc trả tiền gốc và lãi cho những người mà ông ta gọi là “cộng tác viên”.
Theo Luật sư Phạm Thành Tài, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cách giải quyết vấn đề của ông giám đốc này cũng rất “đa cấp”. Đó là kêu gọi cộng tác viên tìm thêm những “con mồi” tiếp theo mua sản phẩm, ký hợp đồng tiền gửi vào công ty.
“Hình thức huy động vốn, trả lãi suất theo mô hình đa cấp hoạt động theo nguyên tắc lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Và nó thường sẽ sụp đổ khi số tiền người tham gia sau không đủ trả lãi hoặc không có người tham gia mới. Tôi thấy rằng điểm chung của các vụ án, vụ việc liên quan đến hình thức tội phạm này là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và đánh vào lòng tham của nhiều người”.
Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thắng (76 tuổi, ở Cầu Giấy) đã đóng góp tổng cộng 4,6 tỷ đồng vào các công ty của ông Toản. Họ được quảng cáo trong một hội thảo về bảo hiểm nhân thọ, đồng thời giới thiệu dự án trồng sâm Ngọc Linh để bảo vệ sức khỏe người Việt Nam và người cao tuổi. Nhận thấy dự án khá nhân văn, ông bà Thắng đã nộp tiền và còn vận động thêm nhiều người tham gia chương trình.
Theo ông Thắng, lý do số tiền gửi vào ngày càng lớn bởi các công ty này thông báo: cần 200 tỷ đồng đầu tư vào dự án trồng sâm trên Hà Giang. Tháng 8/2023, ông Nguyễn Đức Toản cho biết hoạt động của công ty gặp khó khăn, đề nghị bà con gia hạn bằng cách chuyển đổi hợp đồng cũ sang hợp đồng mới, nhưng đơn vị trả lãi lại là công ty khác mới thành lập. Đến tháng 2/2024, ông bà Thắng và người gửi tiền bàng hoàng khi nhận được thông báo: Công ty không còn tiền, cần giãn thời gian trả gốc và lãi.
Các nạn nhân chính thức bước vào “mê cung” tiếp theo.
“Lúc đó tôi mới nói công ty làm ăn gì mà trong vòng 2023 thu nhận của mọi người 300 tỷ mà không trả lãi cho mọi người mà phải chuyển đổi? Thế nhưng không ra phụ lục mà ra hợp đồng mới nhưng lại có thêm điều khoản là cam kết không nhận lãi khi công ty không còn hoạt động, không kiện cáo công ty.
Chính vì thế, chúng tôi đấu tranh trong các cuộc họp và đề nghị bà con phải cảnh giác với các trường hợp này. Nếu như chuyển đổi hợp đồng thì bà con vô cùng bất lợi và các điều khoản thì bà con không lấy lại được tiền mà phải phụ thuộc vào công ty”, ông Nguyễn Hữu Thắng nói.
Đúng như suy đoán của ông Thắng, phía công ty ông Nguyễn Đức Toản yêu cầu các nạn nhân đóng thêm 2 triệu đồng chương trình “tiêu dùng bền vững” mua sản phẩm của công ty đối tác. Phần lãi được trả bằng sản phẩm. Các nạn nhân ngã ngửa về chiêu “lấy mỡ nó rán nó”.
Bà Vũ Thị Cúc, một tình nguyện viên cấp cao, đã gửi tiền 2,5 tỷ đồng, bức xúc lên tiếng:
“Toàn một chiều. Tiếng nói của người có tiền gửi không giá trị. Ông ấy vay tiền của mình nhưng bắt phải thế này thế kia mới trả một phần, mà một phần này phải có điều kiện nữa. Đấy là một cái cố tình lừa đảo, kéo dài các khoản tiền thành những khoản nhỏ lẻ, mà lâu ngày không tài nào nhớ nổi”.
Nói sâu hơn về hệ thống tổ chức, bà Cúc, nằm trong ban điều hành chia sẻ: Các tầng đa cấp của các công ty này được xây dựng với hạt nhân là các Zone trên Zalo. Trưởng zone là một số thành viên trước đây của công ty bảo hiểm AIA, cơ quan cũ của ông Nguyễn Đức Toản. Khi cần kêu gọi doanh số thu hút vốn, mỗi Zone sẽ được giao chỉ tiêu, và thông báo đến mọi thành viên trong Zone.
Mặc dù có cả ban điều hành cấp cao, nhưng mọi quyền hành tập trung vào ông Nguyễn Đức Toản, mọi kế sách, đường đi nước bước, ông Toản đều ra quyết định không thông qua phòng, ban. Theo bà Cúc, chính kế toán trưởng và mọi nhân viên cũng trở thành nạn nhân của ông ta, khi đều phải tham gia tiền gửi ít nhất một tháng.
Bà Vũ Thị Cúc giải thích, nhiều người tin tưởng ông Toản đến vậy, do trước đây ông ta là một “ngôi sao” trong ngành bảo hiểm, với chuyên môn giỏi, khả năng thuyết trình khéo léo, tư duy logic và có uy tín cá nhân cao.
“Từ đội quân đại lý bảo hiểm tin tưởng ông ấy, vì ông ấy là sếp của họ bao năm. Nên khách hàng của họ cũng rất tin tưởng. Các cụ già thì thấy ông ấy toàn thuê nhà khách chính phủ, vào hội trường của các quận, đảng ủy. Đấy là lòng tin để ông ấy củng cố mọi người rằng không phải lừa gạt. Chiến lược là như vậy”.
Ông Hoàng Quốc Bình, một thương binh tại quận Cầu Giấy, cùng với 4 người khác đã đóng 1,5 tỷ đồng vào hệ thống, hé lộ thêm một phương thức “lùa gà” khác của ông Nguyễn Đức Toản là lợi dụng chiêu bài tâm linh. Những chuyến tham quan đến chùa, lời mời dự án “Ngọc cốt sinh phần” làm xá lợi từ tro cốt và an táng tại bảo tháp với giá 55 triệu/suất… càng củng cố niềm tin cho những người già yếu.
Ông Toản này có mưu mô là những người già thì hay đi chùa vì tâm linh, thì họ dùng tâm linh để lừa bà con. Ai cũng nghĩ làm tâm linh thì không bao giờ lừa đảo nên nhiều người đã bị chuyện đó.
Phân tích vụ việc, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu không loại trừ dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước đây, những vụ việc tương tự, thậm chí ở ngay địa bàn Cầu Giấy có kết quả là khởi tố điều tra mở rộng đã từng xuất hiện.
“Tất cả các trò lừa đảo trên không gian mạng hiện nay đều là bãnh vẽ để mời người thiếu hiểu biết tham gia với lời đường mật. Thậm chí các đối tượng trả lãi trước, một vật chất rất nhỏ để củng cố lòng tin. Khi ngập sâu rồi các đối tượng mới “giật cần”. Các thủ đoạn rất đa dạng như mời chào dự án trồng sâm, trồng cây macca… nhiều loại dự án khác nhau. Bản chất đây đều là vỏ bọc, che đậy thực tế đó là thu hút vốn trái phép”.
Chân dung ông Nguyễn Đức Toản đã dần hiện ra qua những lời chia sẻ của chính ông ta, cùng các nạn nhân và người thân cận. Vậy lực lượng chức năng phản ứng thế nào trước những đơn tố giác của các nạn nhân?
Những dự án, sản phẩm của các công ty do ông Toản đứng đầu có đúng như quảng cáo? Những dấu hiệu sai phạm mang yếu tố hình sự của các tổ chức, công ty này là gì?
Nhóm 100 người cao tuổi ở Hà Nội viết đơn cầu cứu VOV Giao thông vì bị chiếm giữ 50 tỷ đồng sau khi bị dụ dỗ tham gia các hợp đồng cộng tác viên gửi tiền, đầu tư với lãi suất, hoa hồng cao. Thêm đó, hàng trăm người khác bị chiếm giữ khoảng 400 tỷ đồng trong bối cảnh các công ty huy động vốn đã không còn khả năng chi trả và liên tục trì hoãn, câu giờ.
Nhiều nạn nhân là thương bệnh binh, người bán hàng rong và cả bệnh nhân ung thư. Giấc mơ độc lập tài chính, không phụ thuộc con cái đã tan vỡ ngay khi vừa chớm nở. “Siêu lừa” liệu đã lộ diện?
Không lâu sau khi tham gia “đầu tư” tổng cộng 4,8 tỷ đồng, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thắng, 76 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội bắt đầu nghi ngờ về hoạt động của Công ty An toàn thực phẩm Hà Nội, AT Bank và Đại lý bảo hiểm sâm.
Các dự án do ông giám đốc Nguyễn Đức Toản vẽ ra đều có dấu hiệu bất ổn. Điển hình như dự án “Vườn ươm, trồng các loại sâm, dược liệu xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên” chưa được tỉnh Hà Giang cấp phép nhưng công ty ông Toản đã quảng bá rầm rộ trong các hội nhóm để làm chiêu bài huy động tiền.
Hay dự án “Ngọc cốt sinh phần” làm viên xá lợi cho bà con sau khi qua đời, đặt tại tháp trong các chùa. Chính ông Thắng là quản lý chùa Dâu đề nghị làm dự án tại chùa, nhưng đã bị ông Toản… từ chối.
“Tôi hỏi hợp đồng C50 mua vị trí đặt tháp sinh phần, hiện công ty đã làm được cái nào chưa? Tôi là người quản lý ở chùa, đã sẵn sàng, chỉ cần công ty đặt vấn đề là chúng tôi ký hợp đồng xây tháp sinh phần ngay chùa Dâu đầu đường Hoàng Quốc Việt đây. Nhưng anh Toản nói, phải bán được 20 tỷ, công ty mới xây. Tôi hỏi lại luôn, lấy đâu ra 4.000 người chết để bán được 20 tỷ mà xây. Anh chưa có dự án nào? Tôi quản lý chùa ở đây, có quen biết chùa Vạn Phúc, sẽ tạo điều kiện cho anh làm. Nhưng không làm, thì đó là dự án ma”.
Bà Trần Thị Xuyên (60 tuổi, từng làm bảo hiểm cùng ông Nguyễn Đức Toản) do tin tưởng vào uy tín và những chiêu bài trồng cây hồi, quế, sâm, huy động vốn đầu tư, gia đình bà bán đi 3 mảnh đất, gửi tổng cộng 8 tỷ vào các công ty của ông Toản.
Bà Xuyên được xếp vào hàng đội ngũ cán bộ cấp cao của công ty, nhưng ngay đến đội ngũ thân cận này cũng bị… lợi dụng. Giai đoạn “hốt cú chót” của ông Toản là vào năm 2023, khi huy động mỗi hội đoàn (Zone) trên zalo 6 tỷ đồng.
"Trách nhiệm hội đoàn của chúng tôi phải nộp 1 tỷ, ký được hợp đồng thì hàng tháng tôi được 3 triệu và các hợp đồng đó tôi lại được phần trăm. Đấy là ông ấy ra chỉ tiêu, 1 tỷ huy động trong 6 tháng thì ông ý thưởng cho 50%. Cứ hết 6 tháng lại phải thay đổi lại. Trong hợp đồng nói ai sai thì chịu 25%. Ví dụ chúng tôi chưa đến hạn hợp đồng mà cần tiền thì rút thì phạt 25% chúng tôi cũng đồng ý. Nhưng bây giờ ông ấy sai, chúng tôi lại không có căn cứ để phạt ông ấy cả, vì ông ấy nói vốn không có".
Nhằm xác nh thông tin đa chiều, phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Đức Toản. Giám đốc các công ty An toàn thực phẩm Hà Nội, AT Bank, Đại lý bảo hiểm sâm đã trả lời bằng văn bản.
Theo ông Toản, những tố cáo lừa đảo các hà đầu tư đưa ra là không có cơ sở. Quan hệ giữa các công ty với nhà đầu tư dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện giữa các bên có giao kết và thực hiện hợp đồng.
Về vấn đề chậm thanh toán như ký kết, ông Toản cho biết do công ty lâm hoàn cảnh khó khăn do suy thoái kinh tế và tác động xấu từ thị trường bảo hiểm. Công ty không trốn tránh mà từng bước trả lãi cho công tác viên bằng thỏa thuận chuyển đổi, kéo dài đến 2027.
Ông Nguyễn Đức Toản thừa nhận đang nợ số tiền gốc của các nhà đầu tư 360 tỷ đồng. Trong đó, công ty chỉ có thể trả tiền mặt 160 tỷ đồng, còn lại chi trả cổ phần 100 tỷ và chuyển nhượng thương hiệu 100 tỷ.
Là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nạn nhân trong vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Nam, Công ty Luật Quốc tế Nam Thái cho biết, hoạt động huy động vốn của công ty An toàn thực phẩm Hà Nội, công ty AT Bank có nhiều dấu hiệu của tội phạm lĩnh vực kinh tế..
Các tài liệu mà ông Nguyễn Đức Toản trả lời VOV Giao thông liên quan nguồn tiền, dòng tiền chưa có căn cứ, chỉ là bảng kê đơn thuần, không phải tài liệu chính thống có xác nhận của cơ quan thuế, cơ quan chức năng. Kế hoạch trả nợ họ đưa ra chỉ là lời hứa, tương tự cam kết đã nhiều lần gửi tới nạn nhân.
"Chúng ta cần đặt câu hỏi, các hợp đồng ký kết giữa các công ty này với các nạn nhân có dấu hiệu huy động vốn? Nguồn tiền khi huy động được từ các nạn nhân đã được dùng vào việc gì, lực lượng chức năng cần xác nh. Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cần xác định rõ, công ty AT Bank có được hoạt động trong lĩnh vực huy động vốn, ngân hàng hay không? Trong các tài liệu, họ sử dụng nhiều thuật ngữ ngân hàng, tài chính."
Luật sư Nguyễn Văn Nam cũng thừa nhận, nhận thức pháp luật của các nạn nhân còn kém, một số đã đồng ý ký vào các thỏa thuận hợp đồng chuyển đổi, mang tính “câu giờ”, thao túng tâm lý, cứ kết thúc thời hạn hợp đồng này lại bị chuyển sang loại hợp đồng khác.
Tiếp tục xác nh thông tin về các công ty chuyên nhằm vào người già yếu này, được biết, tháng 4/2024, các công ty An toàn thực phẩm Hà Nội, công ty cổ phần Xanh An toàn thực phẩm Hà Nội (đều của ông Nguyễn Đức Toản) đã bị Cục quản lý thị trường Hà Nội xử phạt 2 lần, tổng số tiền 80 triệu đồng về hành vi “Buôn bán thực phẩm chức năng trên nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc về nhãn hàng”. Đây là sản phẩm chủ lực mà các công ty này bán hoặc trả nợ bằng sản phẩm cho nhà đầu tư.
Trong một diễn biến khác, Công an quận Cầu Giấy đã nhận được đơn của tập thể 100 nạn nhân là người cao tuổi và có phân công giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm.
Trả lời VOV Giao thông vào tháng 6/2024, đại úy Đoàn Minh Tú, cán bộ Đội cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an quận Cầu Giấy cho biết:
“Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Cầu Giấy đang tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật xác nh vụ việc Công ty An toàn thực phẩm Hà Nội, ATbank ký các loại hợp đồng, sổ cho vay vốn để thực hiện các dự án, nhận tiền góp vốn của nhiều cá nhân. Nếu xác định được ông Nguyễn Đức Toản có dấu hiệu tội phạm lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án và có thông báo cho các nhà đầu tư, nạn nhân của các công ty này”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, không chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính, hay kéo dài quá trình xác nh, điều tra. Vì mỗi ngày trôi qua, những công ty tương tự hoạt động theo mô hình đa cấp đã có thể thu hút thêm rất nhiều nạn nhân tham gia vào hoạt động huy động vốn trái phép.
"Tôi cho rằng chúng ta nên hạn chế ở mức cao nhất có thể những hoạt động kinh doanh đa cấp bị biến tướng ở Việt Nam. Cần phải nâng cao trách nhiệm về năng lực, pháp lý về điều tra, xử lý để ngăn chặn sớm, không biến cỗ máy đa cấp như vậy để làm tiêu tốn nguồn tiền, nguồn lực xã hội để làm mất đi sự lành mạnh của xã hội."
Vừa đáng thương, vừa đáng trách, đó là cảm thán của chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu khi nói về những cụ già tích cóp cả đời được một khoản dưỡng già, nhưng lại cả tin đưa hết tiền cho người khác đổi lấy vài tờ giấy.
"Các cụ cần lưu ý luôn phải có tư duy phản biện. Đứng trước lời mời gọi tham gia gói đầu tư cho lãi cao, các cụ cần đặt câu hỏi rằng: Mình có họ hàng, quen biết, anh em ruột thịt gì với đối tượng hay không mà lại dành cho mình cơ hội tốt đẹp như vậy? Đó là điều bất bình thường. Họ sử dụng đồng tiền của mình kinh doanh vào lĩnh vực gì mà cho lãi cao một cách khủng khiếp như vậy? Những dự án hứa hẹn, công bố có thật hay không? Xác nh qua nguồn internet rất nhiều. Hãy nghĩ điều cuối cùng là: Nếu chẳng may đây là vụ lừa đảo thì tìm họ ở đâu mà đòi?"
"Bây giờ, tất cả chúng tôi đều bị nói già rồi mà dại, không tỉnh táo nên hậu quả bị lừa, không phải một mình tôi mà cả hệ sinh thái mấy trăm người.. Tôi mong rằng pháp luật giúp chúng tôi lấy lại số tiền về để trả cho mọi người mà chúng tôi kêu gọi tham gia và tiền cho bản thân. Chứ bây giờ chúng tôi ốm đau không có tiền ra viện phải nằm ở nhà"
Lời khẩn thiết của bà Nguyễn Thị Liên (70 tuổi) ở Cầu Giấy cũng đã nói thay cho hàng trăm người cao tuổi, già yếu, bệnh hiểm nghèo khác trên địa bàn Thủ đô.
Giấc mơ làm giàu, không phụ thuộc kinh tế vào con cháu đã tan vỡ. Cảm giác mặc cảm, tội lỗi khi lỡ kêu gọi người thân, họ hàng cùng tham gia “đầu tư”. Nỗi lo lắng, bất an, hoảng loạn khi toàn bộ tài sản, tiền đi vay đứng trước nguy cơ mất trắng…
Vụ việc liên quan một dấu hiệu “siêu lừa” ở công ty An toàn thực phẩm Hà Nội không phải cá biệt. Tháng 3/2024, chính cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy cũng phải ra thông báo tìm nạn nhân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, lừa đảo dự án trồng sâm Ngọc Linh, thu trái phép 1.200 tỷ đồng.
Hy vọng, với những vụ việc công ty, tổ chức, cá nhân chuyên lợi dụng, nhằm vào người cao tuổi, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng kết thúc điều tra và sớm đưa ra biện pháp khẩn cấp như: Lần ra dòng tiền, phong tỏa tài khoản để tránh tẩu tán tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nạn nhân.