Đào tạo sơ cấp cứu TNGT: Giảm gánh nặng cho y tế và cộng đồng

Một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong trong TNGT là do nạn nhân không được sơ, cấp cứu hoặc sơ cứu, cấp cứu không đúng cách. Có một thực tế là hầu hết người dân Việt Nam chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng mang tính sống còn này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Đào tạo sơ cấp cứu ở Việt Nam hiện nay là vấn đề sống còn, cấp thiết (ảnh nh họa)

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, 50% nạn nhân thường tử vong do chấn thương xảy ra tức thì tại các nơi gặp nạn, 30% xảy ra trong ba, bốn giờ sau đó và chỉ có 20% xảy ra trong giai đoạn điều trị ở bệnh viện. Khoảng thời gian một giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân.

Tuy nhiên, hầu hết người dân VN chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng mang tính sống còn này. Về vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với Bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh – Giám đốc Trung tâm Cải tiến Y tế.

PV: Bà có thể cho biết  về vai trò của đào tạo sơ cấp cứu tại Việt Nam?

Bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh: Đào tạo sơ cấp cứu ở Việt Nam hiện nay là vấn đề sống còn, cấp thiết. Phải nói rằng kiến thức và kỹ năng của người dân về vấn đề này rất thiếu. Khi người dân sơ cứu không đúng, nó tạo một áp lực rất lớn, gánh nặng rất lớn lên y tế.

Nếu kiến thức về sơ cấp cứu được phổ cập tới người dân và người ta chỉ cần sơ cứu đúng, kịp thời đưa nạn nhân đến bệnh viện thì sẽ giúp cho người bác sĩ ở bệnh viện xử lý dễ dàng hơn rất nhiều, giảm được gánh nặng mà quan trọng hơn hết là cứu được tính mạng con người.

PV: Vậy có nghĩa là kiến thức về sơ cấp cứu cần được phổ cập, thưa bà?

Bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh: Chỉ có một con đường là phải giáo dục, phải hỗ trợ kiến thức thôi. Với việc này nó cần rất nhiều nguồn lực. Có những tổ chức sơ cấp cứu Việt Nam như SSVN họ đã xây dựng được những chương trình đào tạo trực tuyến. Hoặc mình làm sao để nhân viên y tế thấy được tầm quan trọng của chuyện này, để họ chịu cải thiện khâu hướng dẫn giáo dục người bệnh.

Sơ cấp cứu có nhiều mức độ. Thứ nhất là kiến thức để giúp họ nhận biết vấn đề có cần cấp cứu hay không và đừng có làm sai. Sau đó, nó cần một số kỹ năng sâu hơn, ví dụ như hồi sức tim phổi hoặc sơ cấp cứu vết thương.

Trong một ca kip làm việc, không nhất thiết từng người ở đó rành rẽ kỹ năng cấp cứu ở mức độ cao mà chỉ cần một vài người. Nhưng cần phổ cập để nhận biết thấy vấn đề này quan trọng.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: