Đánh giá đúng nguy cơ dịch COVID-19 và ứng phó phù hợp

Trong 7 ngày từ 5/4 đến 11/4, trung bình mỗi ngày cả nước có 90 ca mắc mới, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó, trong đó Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc mới, số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như điều kiện thời tiết giao mùa, hiệu quả của vắc xin đã giảm dần và người dân có tâm lý chủ quan không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Ngành y tế và người dân cần lưu ý gì để tránh sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế về nội dung này.

PV: Số ca nhiễm Covid-19 có xu hướng tăng mạnh trong những ngày gần đây, ngành y tế cần phải chuẩn bị gì thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Ngành y tế về đánh giá nguy cơ về dịch bệnh. Thứ nhất, xem sự gia tăng này có biến chủng mới không, có vô hiệu hóa vắc-xin vẫn đang sử dụng hay không. Thứ hai,  đánh giá nguy cơ cho đúng. Chúng ta phải thực hiện là nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó.

Nếu không đánh giá đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh nhưng mà đánh giá nguy cơ cao quá, đáp ứng một cách thái quá sẽ dẫn tới: một là chúng ta cấm đoán ảnh hưởng làm ăn kinh tế và an sinh xã hội dân.

Hai là chúng ta đầu tư nguồn lực cho nó quá thực tại và cũng là gây tốn kém. Trong lúc nhân lực chúng ta phải căng mình cho nhiều các hoạt động khác của ngành y tế, đặc biệt là bên cạnh đó còn rất nhiều bệnh dịch khác như: sốt xuất huyết, cúm A...  nên chúng ta cần phải có một cái đáp ứng sao cho nó phù hợp.

Hiện nay ngành y tế cũng có năng lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 và chúng ta cũng phải có một cái chuẩn bị để không bị bất ngờ trước tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, hệ thống y tế cơ sở chuẩn bị để tư vấn về vấn đề điều trị, ăn uống về vấn đề sức khỏe của người dân tại cộng đồng.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 12/4 khẳng định, thông tin "Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc COVID-19" xuất hiện trên mạng xã hội những ngày gần đây không phải phát ngôn của Sở

PV: Ông có khuyến nghị gì đối với người dân và đặc biệt trong các trường học để phòng tránh dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Mọi người dân cần phải cảnh giác và tiếp tục đề phòng, thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang ở những môi trường nguy cơ, rửa tay khử khuẩn  thường xuyên, nhất là dịp 30/5 và Mùng 1/5 sắp tới, người dân đi lại nhiều.

Tôi đặc biệt lưu ý đến những đối tượng dễ bị tổn thương là những người già, người mắc bệnh suy giảm ễn dịch và những người chưa tiêm chủng phòng bệnh. Những người có triệu chứng nghi ngờ, chúng ta phải đeo khẩu trang nghiêm chỉnh, không tiếp xúc để lây lan cho người khác, đồng thời thực hiện tiêm chủng theo lịch Bộ Y tế khuyến cáo.

Trường học cũng là một môi trường lây lan của COVID-19 vì các em tiếp xúc cả ngày, trong khi đó lại khó thực hiện các biện pháp  dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang… Tôi cho rằng, trong lúc này chúng ta vẫn phải đảm bảo tốt việc phòng bệnh cho các cháu để các cháu không bị nhiễm để các cháu đến trường một cách an toàn.

Ngành y tế vẫn yêu cầu và khuyến cáo những trường hợp nào nhiễm COVID-19 thì vẫn phải nghỉ học, nhưng không nên bắt cả lớp nghỉ họ, trường cháu nào  xét nghiệm dương tính thì mới nghỉ học thôi và thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh.

PV: Vâng. Xin cảm ơn Ông!