Đăng ký khai thác và xuất bến online: Giúp doanh nghiệp không phải chờ đợi

Từ ngày 1/7, hơn 124 nghìn đơn vị kinh doanh vận tải có thể chọn giờ xuất bến, đăng ký khai thác tuyến vận tải trực tuyến, thay vì gửi hồ sơ giấy như truyền thống. 

Từ ngày 1/7, hơn 124.560 đơn vị kinh doanh vận tải sẽ thuận lợi hơn trong việc nộp hồ sơ thực hiện các thủ tục hành chính. (ảnh: VnEconomy)

Bộ GTVT vừa cho biết, sẽ chính thức đưa vào sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định tại địa chỉ https://tuyenvantai.mt.gov.vn

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết đã hoàn thành việc cập nhật số hóa trên 10 nghìn tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc: “Tới đây doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định sẽ căn cứ vào danh mục mạng lưới tuyến và biểu đồ chạy xe theo tuyến để lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến ở các thời điểm mà chưa có đơn vị khai thác trên hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến mà không cần gửi hồ sơ đến các cơ quan quản lý tuyến nữa”.

Việc chính thức đưa vào sử dụng phần mềm này nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, để triển khai có hiệu quả các quy định tại Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại Đất Cảng (Hải Phòng) cho rằng: Việc đăng đăng ký khai thác tuyến vận tải trực tuyến là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính, không mất thời gian đi lại.

'Quan trọng hơn, việc này giúp doanh nghiệp phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư khi không phải chờ đợi. Đặc biệt, giúp loại bỏ “xin - cho” cấp tuyến vận tải do doanh nghiệp không phải tiếp xúc trực tiếp với đơn vị quản lý, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, điều này sẽ giúp phòng chống dịch tốt hơn', ông Hải nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, việc này tương tự như đấu thầu qua mạng, trên cơ sở tiêu chí mời thầu, doanh nghiệp đủ năng lực có thể tham gia, tạo công khai nh bạch trong hoạt động vận tải.

Tuy nhiên ông Quyền lưu ý: Để phát huy hiệu quả, tới đây cần có đánh giá, sơ kết tổng kết để các dịch vụ công được thực hiện thực chất hơn để người sử dụng lựa chọn.

Hiện Bộ GTVT đang cung cấp 254 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4; trong đó, có 90 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 164 dịch vụ công mức 4. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc đưa toàn bộ dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 3, Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là dịch vụ công cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng./.
 
Hiện Bộ GTVT đang cung cấp 254 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4; trong đó, có 90 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 164 dịch vụ công mức 4. Bộ Giao thông Vận tải dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc đưa toàn bộ dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp.