Bởi vậy, nếu không có những phương án tuyển sinh tốt để lựa chọn những học sinh có tố chất, kỹ năng phù hợp với các ngành học, không chỉ ảnh hưởng đến nghề nghiệp của các em trong tương lai mà còn có thể gây lãng phí cho nhà trường, gia đình và xã hội.
Theo thông báo mới nhất của Đại học Luật Hà Nội, mức điểm chuẩn phương thức xét tuyển học bạ của trường đối với ngành Luật Kinh tế cao nhất 30/30 điểm đối với tổ hợp Toán, Lý, Hóa (A0) và Toán, Lý, Anh (A01) và mức thấp nhất là 26,76 điểm.
Mức điểm chuẩn này đối với nhiều thí sinh đang theo học ở các trường chuyên, trường top đầu của Hà Nội khó có thể đạt được do các em khó có thể đạt được bảng điểm đẹp và không có điểm ưu tiên.
Phương thức xét tuyển học bạ theo nhiều trường là phương thức phù hợp, thuận tiện, giảm áp lực và chủ động được phần nào số lượng thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phương thức này cũng bộc lộ một số bất cập.
Chẳng hạn, tại một số trường THPT, một số địa phương có tình trạng “làm đẹp học bạ” để chạy theo thành tích. Hệ quả là nhiều học sinh đỗ vào các trường ĐH Top đầu nhưng không đủ khả năng để theo các chương trình học.
Mặt khác, những bảng điểm có điểm số cao, gần như tuyệt đối ở nhiều trường, nhiều địa phương có chất lượng giáo dục không đồng đều sẽ “không công bằng” và không phân loại thí sinh. Bởi lẽ, chất lượng giảng dạy và học tập của mỗi trường khác nhau và hệ thống quản lý giám sát chất lượng chưa thống nhất. Điều này còn đẩy điểm trúng tuyển ở mức rất cao, phi thực tế.
Ngoài ra, xét tuyển bằng học bạ còn khiến nhiều trường đại học còn gặp nhiều khó khăn trong việc lọc thí sinh ảo.
Vậy, có nên tiếp tục giữ phương thức tuyển sinh bằng học bạ hay không?
Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh phổ biến trong những năm gần đây. Theo phân tích kết quả tuyển sinh đại học của Bộ giáo dục và đào tạo ở hai phương thức là xét tuyển bằng học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu tính về điểm thi tốt nghiệp THPT ở hai nhóm thí sinh trúng tuyển bằng điểm học bạ và bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch lớn, đến 3 điểm thi.
Trong khi đối sánh kết quả học tập THPT, tỉ lệ chênh lệch khoảng 1 điểm. Như vậy, điểm thi tốt nghiệp THPT có tính phân loại cao hơn.
Xét tuyển đại học bằng phương thức học bạ sẽ chỉ thực sự hiệu quả và công bằng khi thước đo học bạ là thước đo dùng chung cho tất cả các trường, các địa phương. Ở đó, chất lượng đào tạo và giáo dục của các trường được giám sát, quản lý bởi một hệ thống giám sát nghiêm ngặt và chặt chẽ đồng đều giữa các địa phương.
Các giáo viên, học sinh ở các trường đều đề cao học thực chất thay vì chạy theo thành tích. Có như vậy, việc xét tuyển bằng học bạ mới đảm bảo công bằng, nh bạch và đủ độ tin cậy.
Còn nếu không, các trường Đại học cần phải đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh đại học, giảm dần tỷ lệ tuyển sinh đại học bằng học bạ hoặc bổ sung các điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng thí sinh đầu vào.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, năm 2022, số lượng thí sinh nhập học bằng phương thức xét tuyển này là gần 40% và tỷ lệ này giảm xuống 30,24% vào năm 2023, chưa bao gồm các phương thức kết hợp điểm học bạ và các tiêu chí khác.
Một số chuyên gia giáo dục, nhiều trường có xu hướng giảm tỷ lệ thí sinh tuyển sinh bằng phương thức này và thay thế bằng những phương thức mới, hiệu quả và chính xác hơn.
Hiện nay phương thức xét tuyển bằng đánh giá năng lực hoăc đánh giá năng lực tư duy mới chiếm tỷ lệ khiêm tốn 3% nhưng dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới do những phương thức này giúp lựa chọn được những thí sinh phù hợp với yêu cầu đạo tạo và kiến thức và kỹ năng cho từng ngành học.
Tuyển sinh đại học dù bằng phương thức tuyển sinh nào cũng hướng đến lựa chọn những thí sinh đầu vào có kiến thức, kỹ năng phù hợp để đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội trong tương lai.
Do vậy, các trường Đại học cần có sự phân tích, đánh giá và đối sánh dữ liệu tuyển sinh để đưa ra những phương thức tuyển sinh phù hợp, giảm dần tiến tới loại bỏ những phương thức tuyển sinh không đảm bảo công bằng, nh bạch.