Cứ mưa là tắc, có phải chỉ tại… ông trời?

"Vì sao trời mưa thì hay tắc đường?”. Chắc hẳn câu hỏi này luôn thường trực với những người sống ở các khu vực đô thị mỗi khi mùa mưa về. Nhất là chỉ trong 2 ngày đầu tuần này, mưa ngập đã khiến giao thông nhiều nơi lâm vào hỗn loạn, tê liệt.

Một số người lý giải bằng cách đổ tại “ông trời”, tức điều kiện thời tiết, đường sá. Điều này không có gì sai. Khi mưa to, đường trơn trượt, thậm chí có đoạn ngập úng, sẽ kéo giảm tốc độ lưu thông, gây ùn ứ dòng xe cộ. Trong khi tầm nhìn hạn chế khiến phản xạ của người lái chậm, dễ dẫn tới va quệt, tai nạn giao thông.

Nhưng ngoài nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, cũng có một nguyên nhân nữa thuộc về yếu tố chủ quan và có thể cải thiện được. Đó là ý thức giao thông.

Dù chưa có nghiên cứu chính thức nào về sự thay đổi hành vi lái xe khi trời mưa, nhưng từ thực tiễn ghi nhận trong giờ cao điểm qua hệ thống camera VOV Giao thông tại Hà Nội, đa số chủ phương tiện có xu hướng bất chấp các quy tắc, mạnh ai nấy đi, điền vào chỗ trống.

Ùn tắc tại ngã tư Cổ Linh - Đàm Quang Trung sáng 24/5. Ảnh: Nguyễn Minh

Sự hỗn loạn thường chỉ bắt nguồn từ ý thức của 1 người, nhưng sau đó lan rộng ra cả khu vực, kéo dài hàng cây số. Vụ 1 chiếc ô tô dẫn đầu kéo theo hàng trăm phương tiện đi ngược chiều trên cầu Vĩnh Tuy trong cơn mưa lớn sáng 24/5 là ví dụ điển hình.

Vẫn biết, trong thời tiết cực đoan, ai cũng mong về sớm, nhưng tranh thủ sự vắng bóng của lực lượng giám sát rồi vượt đèn đỏ; đi tắt bằng cách chạy ngược chiều; chen lấn, giành hết phần đường của nhau; lợi dụng khoảng trống giữa các pha đèn để tạt ngang dòng di chuyển giữa ngã tư… những hành vi ấy chỉ khiến tất cả về nhà muộn hơn.

Một thính giả từng chia sẻ việc dừng đèn đỏ tại một nút giao. Vì trời đang mưa, nên xe phía sau sốt ruột, ra sức bóp còi rồi đề nghị anh nhích lên phía trước để có khoảng trống rẽ phải. Sau khi vượt lên, người này còn trách móc anh sao khờ vậy, dù nút giao này không cho phép rẽ phải khi đèn đỏ. Vị thính giả kể, sau đó, người vượt lên đã suýt đâm trúng một cụ già đang sang đường.

Đó là một câu chuyện sinh động về lý do vì sao phải chấp hành luật giao thông đường bộ. Nó không phải là một trào lưu làm cho giống mọi người để đỡ bị lạc lõng, cũng không phải là thứ trình diễn cho người khác xem.

Hành vi ấy nên được hiểu là để bảo vệ bản thân, những người đi đường bên cạnh và nhằm duy trì tiêu chuẩn ứng xử, trật tự trong xã hội.

Nó cần nhất quán và mặc định dù điều kiện thời tiết xấu hay đẹp, tâm trạng con người thư thái hay vội vã, có cảnh sát giao thông trực chốt, hướng dẫn hay không.

Suy cho cùng, ý thức xã hội tạo thành từ ý thức cá nhân. Nhiều cá nhân có ý thức sẽ tạo được nét văn hóa tham gia giao thông. Bạn, tôi và chúng ta là những người trực tiếp xây dựng, duy trì nề nếp đó.

Vì vậy, tắc đường, hãy nghĩ về sự nhường nhịn lẫn nhau khi lưu thông, đừng đổ tại… ông trời.