Cổng trường ATGT: Thấu tình đạt lý để thay đổi ý thức và hành vi

Chuyện ùn tắc ở các cổng trường đã quá quen thuộc ở Thủ đô Hà Nội. Dù là chuyện cũ, nhưng nhiều năm qua, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Từ tháng 12/2020, UBND quận Ba Đình, HN đã phối hợp với Cục CSGT, Bộ Công an triển khai thí điểm mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông”.

Trước đây, cứ vào khung giờ cao điểm, đoạn đường gần 200m trên phố Nguyễn Công Hoan, từ Phố Ngọc Khánh dẫn vào Trường Tiểu học Ngọc Khánh và THCS Phan Chu Trinh (P. Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên bị ùn tắc.

Nguyên nhân bởi đường hẹp, lại có nhiều phương tiện lưu thông, hàng quán thì bày bán la liệt, đặc biệt là sự tùy tiện của các bậc phụ huynh trong việc đưa đón học sinh.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng này, ông Đỗ Công Hải, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) thừa nhận: “Trước đây, vào thời gian cao điểm đưa đón học sinh, tại khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, các phương tiện đưa đón học sinh được sắp xếp, dừng đỗ không đúng quy định.

Thứ hai, các phương tiện của cha mẹ học sinh cũng như phương tiện đi lại qua tuyến phố này xung đột với nhau, khiến cho giao thông qua khu vực này bị ảnh hưởng rất nhiều. UBND phường cũng như Ban Chỉ đạo 197 của phường cũng phải thường xuyên chốt trực ở đây để xử lý nhưng cũng không giải quyết được triệt để.”

Phụ huynh đến đón con đã đỗ xe thành hàng ngang, sát mép đường.

Trước tình trạng trên, từ tháng 12/2020, UBND quận Ba Đình  đã phối hợp với Cục CSGT, Bộ Công an triển khai thí điểm mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông”.

Sau hơn 4 tháng triển khai, cảnh tượng ùn tắc trong giờ cao điểm tại ngôi trường này đã không còn nữa, mà thay vào đó, các luồng phương tiện qua lại thông thoát, phụ huynh đến đón con đã đỗ xe thành hàng ngang, sát mép đường, tạo thành hàng lối ngay ngắn. Việc đưa học sinh cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn khi nhà trường đã kẻ vạch khu vực đỗ xe và đánh số lớp cụ thể.

"Xe thì có vạch đây rồi, tự nguyện để xếp xe đúng chỗ, đến giờ các cháu ra thì lấy xe về. Các cô dẫn từng lớp ra, đến lớp nào thì phụ huynh vào đón, không xảy ra lộn xộn".

"Tôi thấy ưu điểm ở khu vực này là cổng trường rất là rộng, nên có thể sắp xếp lớp của riêng các cháu được, bố mẹ đến thấy con là có thể đón được, tránh tình trạng bố mẹ đi vào trường, có thể kẻ xấu trà trộn vào trường chẳng hạn. Thứ hai, nếu sắp xếp như thế này thì phụ huynh từng lớp có thể đứng từng ô riêng, không phải đứng lộn xộn nữa".

Để duy trì mô hình này trong thời gian tới đạt hiệu quả, ông Đỗ Công Hải, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh cho rằng, ngoài việc tổ chức ký cam kết đối với tất cả cán bộ công chức, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh, Phường cũng sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp cụ thể khác.

“UBND Phường sẽ thường xuyên tổ chức các chốt trực phân luồng, hướng dẫn đảm bảo trật tự ATGT tại đây, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về trật tự đô thị, trật tự ATGT; tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; lắp đặt biển cấm, biển dừng đỗ xe, hạn chế lưu lượng giao thông”, ông Hải cho biết.

Cần nhân rộng mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông”

TS. Khương Kim Tạo, Nguyên phó chánh văn phòng UBATGT Quốc gia nhận định, mô hình cổng trường học an toàn giao thông ra đời góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của học sinh cũng như các bậc phụ huynh khi tham gia giao thông.

Tuy vậy, việc nhân rộng mô hình này tại các trường học khác trên địa bàn ông Tạo cũng lưu ý: “Để làm tốt mô hình này, chúng ta cần phải hiểu rõ xem tình hình lưu lượng ở khu vực cổng trường thế nào, các phụ huynh và người đi đón học sinh tiếp cận cổng trường thế nào, cách hướng dẫn thế nào để học sinh đưa ra có thể gặp ngay người nhà mình. Chúng ta phải bàn thật kỹ, thật thấu tình đạt lý, làm thế nào để có thể triển khai tốt, không riêng cho lực lượng trường học mà ngay cả người dân sống ở đấy cũng có thể đảm bảo, tuân thủ quy định một cách tự giác”.

Có thể thấy, mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông” đã bước đầu đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, tác động tích cực vào việc giáo dục nề nếp, tác phong, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh; đồng thời góp phần nâng cao văn hóa giao thông trong các bậc phụ huynh.

Mong rằng, thời gian tới, thành phố cần nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình này tại tất cả các trường học trên địa bàn thủ đô, nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông và giảm nguy cơ tai nạn tại các trường học.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: