Công tác sát hạch, cấp GPLX có còn lỗ hổng?

Không ít trường hợp TNGT xảy ra là do tay lái kém, thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện. Điều này khiến dư luận cho rằng công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay còn nhiều lỗ hổng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Thống kê của UBATGTQG cho thấy, trong số gần 18 nghìn vụ TNGT xảy ra năm 2019, có gần 70% nguyên nhân là do lỗi của người điều khiển phương tiện như vi phạm làn đường, phần đường; vi phạm tốc độ xe chạy; chuyển hướng không chú ý, do không nhường đường… 

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng: "Nguyên nhân vẫn tập trung vào ý thức của người điều khiển phương tiện. Chúng tôi đã phân tích và cho thấy đó là quy luật, ví dụ như say rượu bia, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt không đúng quy định, không thực hiện đúng thao tác an toàn khi lái xe".

Không ít trường hợp TNGT xảy ra là do tay lái kém, thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện. Điều này khiến dư luận cho rằng công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Thực tế, qua các đợt thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các địa phương do Bộ GTVT thực hiện gần đây cũng cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập trong công tác sát hạch, cấp GPLX, việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp của người lái xe còn chưa được coi trọng. 

Theo thượng tá Hoàng Đình Ban, nguyên Trưởng khoa CSGT, Học viện Cảnh sát, thực tế công tác kiểm soát vi phạm trên đường của lực lượng CSGT cũng cho thấy, rất nhiều trường hợp tài xế hành nghề lái xe kinh doanh vận tải dù có giấy phép lái xe nhưng các kỹ năng của lái xe không đảm bảo an toàn. Điều này một phần là do công tác sát hạch còn nhiều bất cập. "Qua công tác nghiệp vụ của CSGT thì đối với những trường hợp kiểm tra số lái xe trên đường trong diện tước giấy phép lái xe 60 ngày thì tới 40% kiểm tra lại không đạt yêu cầu. Cho nên không phải đến mức báo động mà thực trạng công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX là vấn đề rất nóng bỏng", Thượng tá Hoàng Đình Ban cho biết.

TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Trung tâm đào tạo Việt Đức cũng cho rằng, việc để xay ra tình trạng “bao đậu” diễn ra lâu nay tại một số trung tâm đào tạo, sát hạch cấp GPLX ngoài trách nhiệm của đơn vị sát hạch, cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, giám sát nội bộ đơn vị sát hạch.

TS Hiếu dẫn kinh nghiệm của một số nước cho thấy, ngoài việc giám sát của cơ quan quản lý, công tác sát hạch của từng đơn vị còn chịu sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng thông qua những dữ liệu cập nhật của các trung tâm đào tạo được công bố công khai: "Họ có hồ sơ và thống kê hết, vì dụ ông này năm nay ra bằng bao nhiêu và sau đấy tai nạn hay treo bằng cũng ghi chép được hết. Trên cơ sở dữ liệu xuyên suốt của hệ thống sát hạch, đào tạo là nó liên thông hết, phơi bày hết ra cho xã hội. Nếu làm được như thế thì sẽ gây được sức ép đủ lớn làm cho thứ nhất là người ta lựa chọn cơ sở, thứ 2 là làm cho cơ sở làm ăn tào lao bị phơi bày ra và người ta sẽ phải điều chỉnh hành vi".

Các ý kiến cũng cho rằng, những lỗ hổng trong công tác sát hạch dù được cơ quan quản lý nỗ lực khắc phục bằng những giải pháp công nghệ để giám sát từ quá trình học đến sát hạch. Tuy vậy, khi yếu tố con người tham gia sát hạch không được đảm bảo, rất khó khẳng định công tác sát hạch cấp GPLX không còn những lỗ hổng.

----

Để tìm hiểu thêm, quý thính giả có thể lắng nghe trao đổi giữa phóng viên VOVGT với các vị khách mời: TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp và Luật sư Đặng Văn Hường, trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Hà Nội, trong chương trình Diễn đàn 91, với chủ đề: Sát hạch, cấp GPLX nên giao cho ngành nào quản lý?