Công nghệ số hỗ trợ giao thông công cộng ứng phó với triều cường

TP.HCM hiện có 140 tuyến xe buýt với gần 100 tuyến nội đô. Vào những tháng mùa mưa hay triều cường dâng cao sẽ xuất hiện những điểm ngập làm giao thông bị đình trệ, nhiều tuyến xe buýt phải tạm ngừng hoạt động, gây xáo trộn đời sống của người dân, đồng thời gây thiệt hại không hề nhỏ cho ngành GTVT.

 

Triều cường đã làm xáo trộn đời sống của người dân, đồng thời gây thiệt hại không hề nhỏ cho ngành giao thông vận tải của Thành phố.

Ghi nhận của phóng viên khoảng 6h sáng, triều cường dâng cao đã khiến nhiều tuyến đường tại Quận 7, TP.HCM ngập sâu, nhiều tuyến phố như Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát nước dâng cao hơn 0,5m, nhiều người dân phải rất vất vả vượt dòng nước ngập để kịp giờ đi làm, đi học; hàng loạt phương tiện bị chết máy, giao thông hỗn loạn tại nhiều khu vực.

Cũng chính vì triều cường gây ngập sâu mà nhiều tuyến xe buýt đi qua khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuyến xe buýt số 68 có lộ trình Bến xe Chợ Lớn - KCX Tân Thuận đã bị hủy do nước dâng cao. Điều này đã gây xáo trộn việc đi lại của không ít người dân.

Chị Đặng Thị Huyền Nhi, ngụ tại phường Tân Thuận, quận 7 chia sẻ: "Thường ngày, mình đi học bằng xe buýt, nhưng hôm nay triều cường dâng cao, mình phải đặt Grab để đi. Tại sợ trễ hay là hủy chuyến rồi xe buýt gặp sự cố, ảnh hưởng tới việc của mình nên em phải thay đổi".

Dù biết trước những tuyến đường thường xuyên bị ngập, thế nhưng nhiều người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm mọi cách để vượt qua, Chị Thu Trang ngụ tại phường Tân Kiển, quận 7 chia sẻ: "Biết trước được là đường này thường xuyên bị ngập rồi mà tại đi khám bệnh cho con nên buộc mình phải đi đường này. Không đi thì không được!".

TP.HCM vốn đã phải đối phó với 2 mùa triều cường, cộng thêm biến đổi khí hậu và sụt lún đô thị khiến cho ảnh hưởng của triều cường đến giao thông thành phố nói chung và giao thông công cộng nói riêng càng thêm nghiêm trọng. Trước thực trạng trên chính quyền thành phố đã có những giải pháp như nâng đường, vận hành siêu máy bơm hay xây dựng cống đập ngăn triều. Thế nhưng dường như “càng chống thì thành phố càng ngập”.

Để góp một lời giải cho bài toán này, PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức cho rằng, TP.HCM cần sớm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số để dự báo tình trạng ùn tắc, ngập nước trước hành trình. Từ đó thông báo, cảnh báo cho người tham gia giao thông điều chỉnh lộ trình phù hợp, thậm chí gợi ý giải pháp giảm thiểu thiệt hại:

"TP.HCM có dữ liệu hành trình của 2.600 tuyến xe buýt và có dữ liệu về các điểm ngập. Nếu như chúng ta phân tích các dữ liệu lớn này và sử dụng công nghệ AI thì có thể xác định được các điểm ngập lụt và ùn tắc giao thông. Như vậy sẽ giúp cho việc di chuyển của người dân và hành khách sẽ được liên tục trong các điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt", PGS. TS. Vũ Anh Tuấn cho biết.

Ông Hà Lê Ân - Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, hiện phía đơn vị đang phối hợp cùng với Sở GTVT và Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức cho ra mắt ứng dụng cảnh báo đến với người dân trong tương lai:

"Hiện nay Trung tâm điều hành giao thông đô thị cũng đã thu thập dữ liệu về thông tin lưu lượng xe để dự báo được khu vực ùn tắc sắp xảy ra. Từ đó, chúng ta kết hợp dữ liệu lượng mưa và dữ liệu ùn tắc để kết hợp với mạng lưới xe buýt của trung tâm đang có thì chúng ta sẽ đưa ra được giải pháp để người sử dụng có được sự chuẩn bị trước", ông Ân cho biết.

Chia sẻ thêm về ứng dụng này, PGS. TS. Vũ Anh Tuấn cho biết, dự kiến giữa năm nay các đơn vị sẽ cho ra mắt sản phẩm đầu tay: "Hy vọng giữa năm nay sản phẩm đầu tay sẽ được công bố và chứng nh rằng sử dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu một cách linh hoạt và chủ động".