Công an, quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ hàng hóa của KhaiSilk

VOVGT - Sáng nay (26/10) Công an và QLTT đã xuống kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm) bán hàng Khaisilk và lập biên bản, thu giữ một số mẫu hàng.

Sau khi các cơ quan báo chí đăng tin Khaisilk có dấu hiệu nhập hàng Trung Quốc về gắn mác thương hiệu Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn anh đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dung kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin liên quan tới việc Tập đoàn Khaisilk bán khăn nhãn mác “Made in China”.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai, Hà Nội (Nguồn: Vietnamnet)

Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành đã thu giữ số sản phẩm có dấu hiệu vi phạm với giá trị 30 triệu đồng. "Cái mất mát lớn nhất là thương hiệu quốc gia, bởi Khaisilk thường được nhiều đoàn khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam", ông Hùng cho biết.

Trước đó, ngày 23/10, trên mạng xã hội Facebook đã xôn xao trước thông tin khăn lụa mang thương hiệu nổi tiếng Khaisilk bị nhiều khách hàng tố có tới 2 nhãn mác: “Made in Vietnam” và “Made in China”.

Cụ thể, một công ty đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng trị giá đơn hàng là 38.640.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng khăn lụa có 2 nhãn mác khác nhau. Ngoài ra, một số khăn lụa có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.

Trước sự việc này, ông Hoàng Khải – Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận bán 50% lụa “Made in China” trong hệ thống của mình và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.

Trả lời trên phương tiện thông tin đại chúng, ông Khải cam kết: “Chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này và xây dựng lại việc quản lý sản phẩm và thương hiệu chặt chẽ hơn. Sau khi thu hồi toàn bộ hàng, chúng tôi cam kết sẽ thay đổi việc tách bạch trong hoạt động ghi nhãn xuất xứ của hai loại riêng biệt, gồm sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc theo hướng kinh doanh của các thương hiệu lớn. Với việc này, tôi biết thương hiệu đã bị ảnh hưởng và đây là cái giá phải trả. Chúng tôi sẽ cố gắng để thay đổi và vực dậy, lấy lại niềm tin của khách hàng.

Trong khi đó, theo ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM cho biết: "Có dấu hiệu tội hình sự? Việc làm của Khaisilk có dấu hiệu của tội hình sự. Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi sửa cắt mác nhãn hàng và đính vào nhãn khác để bán cho khách hàng có dấu hiệu của hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả". Đây là tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự.