Còn nhiều khó khăn trong việc triển khai lộ trình xăng E5

VOVGT-Nhiều ý kiến cho rằng cần phải đảm bảo nguồn cung và cơ chế thuế, giá phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ xăng sinh học E5 tại hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức

Hội thảo “Sử dụng nhiên liệu sinh học – giải pháp phát triển bền vững”

 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, đã triển khai đồng loạt các giải pháp để đảm bảo kể từ ngày 01/01/2018 việc tổ chức kinh doanh mặt hàng xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON92được triển khai trên toàn bộ hệ thống phân phối.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, đơn vị đầu tư các trạm phối trộn, đồng thời pha chế mẻ lớn, sau đó vận chuyển bằng đường thủy hoặc đường ống nhằm đáp ứng nhu cầu được dự kiến tăng cao từ năm 2018. Petrolimex cũng chủ động làm việc với các nhà máy cung cấp ethanol, đồng thời tìm hiểu nguồn cung trên thị trường quốc tế, bảo đảm khi nhu cầu xăng E5 tăng cao vẫn hoàn toàn có đủ ethanol để pha chế. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc. Ông Trần Ngọc Năm nói:

“Chính phủ tích cực lắng nghe giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, nhưng cần giải pháp thiết thực như chính sách liên quan thuế, phí, đặc biệt là giá để người tiêu dùng thấy được lợi ích. Nguồn hàng thì chính sách hàng dự trữ quốc gia với xăng E5 thế nào. Các nhà máy sản xuất ethanol vừa qua không triển khai sản xuất do nhu cầu thấp nên cần chỉ đạo quyết liệt để yêu cầu các nhà máy tổ chức sản xuất, đòi hỏi chính phủ có chính sách như quy hoạch nguồn nguyên liệu, đáp ứng nguồn đầu vào".

 

Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất, trong đó hai nhà máy tại Đồng Nai và Quảng Nam của Công ty Tùng Lâm đang hoạt động với tổng công suất 200 nghìn m3 ethanol/năm (200 triệu lít/năm), đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 xăng sinh học E5/năm. Hai nhà máy còn lại là Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng sản xuất và tích cực chuẩn bị để khởi động trở lại. Dự kiến sớm nhất vào cuối năm 2017, hai nhà máy này đi vào hoạt động sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 200 nghìn m3 xăng sinh học E5/năm.

Về tình hình tiêu thụ xăng E5, qua nhiều năm triển khai thí điểm, người tiêu dùng vẫn chưa thật sự mặn mà với loại xăng này khi tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 trên thị trường mới chỉ đạt 9% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng. Một trong những nguyên nhân là chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 không nhiều.

Cụ thể xăng E5 thấp hơn A92 từ 200-300 đồng/lít, chưa hấp dẫn và khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng. Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc bỏ hoàn toàn xăng khoáng A92, thay vào đó là xăng E5 bắt đầu từ ngày 1/1/2018 tới đây sẽ giúp cho người tiêu dùng phần nào chấp nhận chuyển sang dùng loại nhiên liệu này. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi việc một bộ phận người dùng chuyển hẳn sang dùng xăng RON 95, nhất là các xe ô tô.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, để tạo sự đồng thuận và khuyến khích sử dụng xăng E5, cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức đối với đại bộ phận người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách về thuế, giá phù hợp:

“Theo chủ trương của Chính phủ từ 1.1.2018 tới đây sẽ chỉ sử dụng xăng E5. Các cơ quan chắc năng cũng đã có nghiên cứu để đảm bảo xăng E5 đạt chất lượng, bảo vệ môi trường. Nhưng quan trọng là phải có sự đồng thuận của người tiêu dùng. Hiện nay giá xăng E5 với xăng thường độ chênh còn ít quá. Để thúc đẩy tiêu thụ xăng E5 thì trong cơ chế thị trường không gì khác là đòn bẩy kinh tế, trong đó cần tính toán có cơ chế giá phù hợp, có độ chênh cao hơn để khuyến khích người tiêu dùng".