“Cởi trói” kinh tế đêm: Dù muộn còn hơn không

Bộ VH-TT&DL vừa có Quyết định ban hành đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú và tăng cường khả năng thu hút du khách của du lịch Việt Nam.

Cụ thể, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Riêng các điểm đến Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng sẽ thí điểm trước tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.

Đề án đề xuất điều chỉnh quy định thời gian cung cấp dịch vụ, cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau (quy định hiện nay là 2 giờ sáng). Các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được đề cập bao gồm: Mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan du lịch đêm và mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Đề án cũng khuyến khích các trung tâm mua sắm, nhà hàng, bảo tàng, di tích… mở cửa tổ chức phục vụ du khách về đêm. Đồng thời khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng, vận tải du lịch đường bộ, đường thủy nâng cấp trang thiết bị theo quy định để đáp ứng yêu cầu kéo dài thời gian phục vụ khách vào ban đêm.

Xung quanh những đề xuất nhằm cởi trói cho “kinh tế đêm”, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

Kinh tế đêm được kỳ vọng là cú hích cho ngành du lịch Việt Nam (Ảnh Báo Đầu Tư)

PV: Thưa ông, ông có quan điểm như thế nào về đề xuất mới của Bộ VH-TT&DL về việc tổ chức các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm?

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Cần phải nói, chúng tôi đã đề cập nhiều lần, việc phát triển kinh tế ban đêm có vai trò thực sự quan trọng và cần thiết cho việc phát triển du lịch.

Vì vậy, quy định mở các dịch vụ từ đêm đến 6h sáng, đó là điều bình thường và đáng làm từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ. Nhưng theo tôi, chậm còn hơn không.

Xét về phương diện phát triển du lịch, đây là điều tốt và cần thiết.

PV: Trước đó, có nhiều ý kiến cản trở việc mở cửa cho nền kinh tế đêm vì lo ngại khó quản lý, ảnh hưởng an ninh trật tự và ô nhiễm tiếng ồn. Theo ông, đây có phải là điểm cần phải lưu ý khi các địa phương triển khai các mô hình kinh tế, du lịch đêm?

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Cái việc quy định cụ thể, cách thức làm thế nào thì cần phải có những bước cải tiến hơn. Làm thế nào hoạt động du lịch ở ta không còn mang tính “ăn xổi ở thì”, cần phải đi vào nền nếp, có quy hoạch rõ rang, để giảm thiểu tác động của hoạt động du lịch ban đêm với đời sống, nếp sống của người dân đô thị. Khi đó chúng ta mới đạt được như mong muốn.

Thế còn hiện nay, rõ ràng, việc chúng ta cho phép các dịch vụ tới xuyên đêm, qua một khung giờ nhất định nào đó thì đương nhiên sẽ có ảnh hưởng. Nhưng không vì thế mà chúng ta không làm, cần bố trí, triển khai thế nào cho phù hợp.

Về lâu về dài, chúng ta phải quy hoạch đàng hoàng, quy định cụ thể về giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng trật tự, giảm tối đa khả năng ảnh hưởng tới người dân.

PV: Hiện nay, du lịch Việt Nam tuy mở cửa sớm nhưng lại đang tụt lại phía sau so với các nước trong khu vực, nh chứng là những cửa hang kinh doanh mặt tiền ở các khu phố du lịch đang rất ảm đạm. Liệu việc mở cửa kinh tế đêm có là cú hích cho thực trạng này, trả lời cho câu hỏi: “Du khách đến Việt Nam không biết ăn gì, chơi gì và tiêu gì vào ban đêm, vốn là thời gian rất sôi động và thu hút khách du lịch?”

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Du lịch ban đêm là một trong những hình thức thu hút du lịch rất mạnh với du khách nước ngoài và trong nước. Vì thực ra hoạt động từ xưa đến nay ở ta tương đối đơn điệu, không đáp ứng được nhu cầu về ăn, nghỉ, chơi của du khách.

Đây rõ ràng là một cơ hội lớn để du lịch nước ta cất cánh, tăng trưởng và phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông.