Có nên thành lập trạm cấp cứu trên cao tốc?

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường cao tốc, nhiều nạn nhân tử vong, chấn thương nặng được cho một phần nguyên nhân vì xe cấp cứu đến quá chậm, nạn nhân không được cấp cứu đúng cách, kịp thời.

Câu hỏi đặt ra, có cần thiết đẩy nhanh thành lập trạm cấp cứu trên đường cao tốc nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong và chấn thương nặng cho các nạn nhân tai nạn giao thông?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ nhiệm bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện, Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, trước đây, Việt Nam đã có một đề án xây dựng các trạm y tế trên đường cao tốc. Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của đề án này? Đề án đã đạt được mục tiêu đưa ra?

PGS. TS Nguyễn Đức Chính: Theo tôi nó vẫn chưa làm được. Chúng tôi thấy thành lập các trạm cấp cứu như vậy rất là hay. Theo quy định, trong khoảng 50 km là phải có một trạm cấp cứu như vậy, giống như chốt của Hội chữ thập đỏ.

PGS. TS Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ nhiệm bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện, Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia

Nhưng mà bây giờ vấn đề làm sao mà có con người làm việc tại trạm cấp cứu, có thể thành lập các chốt đấy cũng đơn giản thôi, chỉ cần một không gian nhỏ, một cái bàn làm việc và một số trang thiết bị y tế cơ bản như băng gạc...

Khi có những nạn nhân cần phải khẩn cấp cứu ngay vì bị gãy xương, chảy mãu hay có vấn đề về đường thở thì phải có con người ngồi ở đó, mới là điều khó...

Tại vì ta đã đưa ra nhiều phương án trong đấy có phương án mà có vẻ mang tính chất khả thi, đó là vẫn thành lập trạm cấp cứu ở đó, nhưng có người thường trực, còn nhân viên y tế thì là những người làm ở cơ sở y tế gần nhất để sẵn sàng hỗ trợ, nhân viên thường trực khi có nạn nhân cần cấp cứu. Bởi nếu cứ để nhân viên y tế ngồi tại trạm cấp cứu nhưng có khi vài ngày, vài tuần… không có nạn nhân cần cấp cứu thì cũng không phù hợp, cần có cơ chế cho các nhân viên y tế, nhân viên hỗ trợ làm công việc này.

Thứ hai là những người trực hỗ trợ, nhân viên y tế cũng thường xuyên phải được cấp nhật  thông tin và đào tạo về kỹ năng, kiến thức cấp cứu. Bởi vì đã quy định, không chỉ có mỗi chứng chỉ để hành nghề suốt đời mà phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cấp cứu.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã làm việc với Cục quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và triển khai thực hiện dự án xây dựng trạm cấp cứu ở Chí Linh, Hải Dương nhưng cho đến nay hiện vẫn đang vướng, không khả thi.

Ảnh nh họa: Baochinhphu

PV: Thưa ông với tình hình Việt Nam đang phát triển nhiều tuyến đường cao tốc như hiện nay và nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc, thời gian tới Việt Nam có cần đẩy mạnh việc hình thành các trung tâm cấp cứu ở trên đường cao tốc hay không?

PGS. TS Nguyễn Đức Chính: Hiện nay người ta bàn cãi gần đây là đường cao tốc không có trạm dừng nghỉ , cũng giống như đường cao tốc không có trạm cấp cứu. Chúng ta thử hình dung, nếu trong đường cao tốc xảy ra sự cố, đặc biệt những tai nạn giao thông trên quang đường dài như vậy. Đặc biệt, các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc khá là nặng.

Bởi cơ chế xảy ra tai nạn giao thông trên đường cao tốc có mấy đặc điểm, xe phóng rất nhanh, lực mạnh. Nạn nhân  tai nạn giao thông hoặc trên xe bẹp dúm hoặc là người ta bị bắn ra ngoài, do vậy mức độ thương tổn nặng và tỷ lệ tử vong cao gấp 13 lần so với người bình thường. Điều này, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên nghiệp thực hiện cấp cứu và hỗ trợ nạn nhân kịp thời ngay tại hiện trường. Vì vậy việc xây dựng trạm cấp cứu trên đường cao tốc là rất cần thiết, nhất là khi Việt Nam đang phát triển khá nhiều tuyến đường cao tốc, người dân sử dụng đường cao tốc rất nhiều.

PV: Thưa ông, để thành lập và vận hành các trạm cấp cứu hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp giữa các bên liên quan như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Đức Chính: Để hoạt động cấp cứu các nạn nhân trên đường cao tốc hiệu quả, theo tôi cần có sự tham gia đồng bộ của nhiều bên liên quan. Thứ nhất, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đơn vị hiện nay vẫn là chuyên trách về vấn đề  cấp cứu những nạn nhân tai nạn giao thông. Thứ hai là lực lượng cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và đặc biệt là sự tham gia của Bộ Y tế. Bởi tất cả các ban ngành đều có thể hỗ trợ, triển khai một đội ngũ nhân viên và cấp cứu.

Nếu chúng ta hình thành được các trạm cấp cứu trên đường cao tốc trong tương lai, vai trò chủ đạo để cấp cứu nạn nhân vẫn do ngành y tế nhưng có sự phối hợp của lực lượng cảnh sát giao thông, những người dân trong cộng đồng được đào tạo, huấn luyện và cấp cứu ngoại viện.

Theo hướng dẫn mới nhất của Luật khám, chữa bệnh năm 2023 sẽ là hỗ trợ rất tốt để có thể cấp cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông nhằm giảm thiểu tử vong và giảm thiểu nguy cơ chấn thương, những biến chứng tai nạn giao thông trên đường cao tốc.

Tôi nghĩ nó phải có rất nhiều mô hình có những phối hợp, bản thân chúng tôi,  nhân viên y tế và bộ môn cấp cứu ngoại viện sẵn sàng cung cấp, đào tạo, kiến thức cho nhân viên y tế, nhân viên hỗ trợ, nhưng về nguồn lực đòi hỏi sự tham gia của các địa phương. 

PV: Xin cảm ơn ông!