Có nên giảm tuổi nghỉ hưu theo nguyện vọng người lao động?

Trong văn bản góp ý tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, 8 hiệp hội các doanh nghiệp và ngành hàng đã đề xuất, bổ sung quy định tại Điều 106 trong Dự thảo theo hướng: người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng, với nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi.

Mức lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH, khi đã tham gia BHXH đủ 15 năm, mỗi năm nghỉ trước tuổi so với quy định trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.

Theo đề xuất này, người lao động ở nước ta chủ yếu làm việc chân tay, tới 55, 60 tuổi sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu phải chờ đủ 60, 62 tuổi mới nghỉ hưu (theo dự thảo Luật BHXH quy định), thì sẽ gặp khó khăn trong đảm bảo cuộc sống, lại cản trở cơ hội việc làm của người trẻ tuổi.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. 

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề xuất giảm tuổi về hưu sớm theo nguyện vọng, nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi?

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, tôi cho rằng, đề xuấ có thể nghỉ hưu nam ở tuổi 60, nữ ở tuổi 55 là phù hợp. Vì thực tế, điều kiện đóng bảo hiểm bao nhiêu năm sẽ được hưởng chế độ BHXH. Chế độ này tăng dần lên theo thời gian đóng góp của người lao động.

Rõ ràng, chúng ta fix cứng 62 tuổi và 60 tuổi thì không cần thiết. Mà chỉ cần người ta đóng đủ thờ gian bao nhiêu năm thì được hưởng, càng cố gắng, càng đóng góp thêm đến kịch khung thì tính toán là bao nhiêu. Còn độ tuổi như trước đây là 60 với nam, 55 với nữ thì lại không được hưởng mức cao nhất;  như thế lại bình thường.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cho phép NLĐ về hưu sớm theo nguyện vọng là hợp lý vì đã có các mức hưởng theo mức đóng và năm tham gia BHXH

PV: Có ý kiến cho rằng, để thu hút người tham gia BHXH, cần có mức trần hưởng lương hưu bằng hoặc hơn mức lương cơ sở, theo ông, đề xuất này cần được tính toán ra sao để tránh gây ảnh hưởng tới an toàn của Quỹ BHXH?

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta phải xác định, Quỹ BHXH phải là quỹ họ tự đảm bảo và chi trả cho người hưởng BHXH sau này. Quỹ đó thường phải lớn hơn mức độ đóng góp của người đóng BHXH với phần được hưởng quỹ BHXH. Khi đó, mới có cơ sở để tồn tại và phát triển quỹ.

Tất nhiên, nếu xã hội có thu nhập bình quân cao hơn, đảm bảo đời sống người dân tốt hơn, Nhà nước có thể tham gia một phần vào quỹ lương hưu, BHXH này, lúc đó chúng ta mới tính đến việc mức hưởng cao hơn mức đóng góp.

Còn hiện tại, vẫn phải duy trì mức hưởng thấp hơn hoặc bằng mức đóng góp của cá nhân người tham gia, để đảm bảo sự bền vững của Quỹ, khả năng chi trả cho người đóng bảo hiểm.

PV: Xin cảm ơn ông.