Cô gái tái chế quần jeans bỏ đi thành túi xách xuất đi Mỹ

Từ những chiếc quần Jeans bỏ đi, cô gái người Phú Yên đã cho chúng sống thêm một vòng đời bằng cách tạo ra những chiếc túi xách rất thời trang.

Việc tái chế jeans thành túi xách đã khiến nhiều khách hàng trên mạng xã hội thích thú mua và sử dụng như một món đồ hiệu. Cô gái còn làm cả đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Cô gái tái chế 1.000 chiếc quần jeans bỏ đi thành túi xách xuất đi Mỹ

Cô gái Phạm Thị Hải Dương (27 tuổi, quê Phú Yên) xuất thân làm nghề truyền thông, viết lách. Song, tình cờ vào năm 2019 trong lúc dọn dẹp có rất nhiều đồ Jeans, cô thấy nếu quăng đi thì rất tiếc.

Bằng một chút khả năng may vá học từ mẹ, rồi tìm hiểu thêm các kĩ thuật “tái chế” trên mạng Dương bắt đầu làm thử chiếc túi xách jeans đầu tiên. Từ đó, Dương rẽ sang công việc tái chế đồ Jeans đến nay.

Những chiếc balo do Dương làm đầu tiên được đăng trên mạng xã hội và nhiều người tỏ ra thích thú trước sự độc đáo, họ ngỏ ý muốn mua. Dương khi đó nhận ra rằng, sản phẩm tái chế này có thể đến tay người tiêu dùng.

Từ đó đến giờ, Dương đã tung ra thị trường hơn 5.000 sản phẩm và đơn hàng đi nước ngoài đầu tiên là xuất đi Mỹ. 

Việc bán balo sang Mỹ là một thử thách lớn đối cô gái, ở Mỹ người ta chuộng balo cỡ lớn, Dương phải thiết kế từng mẫu riêng cho từng khách.

Công việc này đòi hỏi sự sáng tạo nhiều hơn, từ đó cô gái tự tin tung thêm nhiều sản phẩm để chinh phục khách hàng ở một số nước. Đa số khách hàng nước ngoài của Dương là Việt kiều.

“Công việc tái chế Jeans, làm túi không phải công việc chuyên môn ban đầu của bản thân tôi. Song mỗi khi khó khăn tôi đều cố gắng khắc phục khó khăn về vốn, kỹ thuật may vá, tìm nguyên phụ liệu. Đến giờ, mình có thể đồng bộ được các thiết bị và nguyên phụ liệu để làm túi”, Hải Dương chia sẻ.

Dương cho biết thêm rằng cô có ba nguồn jeans để tái chế thành túi xách. Ban đầu là từ các cửa hàng bán đồ cũ. Thứ 2, là nhiều khách hàng gửi những chiếc quần Jeans làm thành túi. Tại vì nhiều người rất trân trọng cái quần jeans hay áo jeans, họ không muốn vứt đi nhưng để thì không mặc nữa thì lại rất phí.

Nguồn thứ ba là Dương nhận đồ từ thiện từ các bản vùng cao, quần áo ủng hộ cho nơi này những quần áo jeans đôi lúc không phù hợp với nhu cầu thường bị đem đi đốt bỏ. Vì thế Dương nhận nguồn này về tái chế để không phí phạm.

Cô gái bộc bạch rằng, jeans là một chất liệu bền bỉ, khi làm một chiếc túi thì vòng đời của cái quần được tái tạo và vòng đời sẽ dài ra. 

“Theo tôi thấy người sử dụng năng lượng không có tuần hoàn. Ví dụ sử dụng sản phảm tái chế là cách chúng ta tuần hoàn năng lượng, tuần hoàn các nguyên vật liệu có trong đời sống. Tái chế cũng chỉ là một trong những nhánh nhỏ trong việc chúng ta sử dụng nguyên liệu”, Dương nói.

Mong mỏi của nhà tái chế rằng nếu nhiều người quan tâm đến những ản phẩm tái chế thì chúng ta có một môi trường lành mạnh. Mọi người có thể có cái nhìn cởi mở trong cái việc mà mình sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên về tài nguyên khoáng sản…

Hải Dương đánh giá công việc của bản thân bạn cũng chỉ là nét chấm phá, rất là nhỏ trong bản đồ tái chế ở Việt Nam.

Song, cô tin rằng nhiều người quan tâm, nhiều người biết đến cái sản phẩm tái chế của mình hoặc là sản phẩm tái chế của nhiều người khác thì sẽ làm cho cuộc sống phong phú hơn, đẹp hơn, xanh hơn.