Clip: Sửng sốt trước màn đối đáp giữa tài xế trả tiền lẻ và nhân viên soát vé trạm Cai Lậy

VOVGT – Trong khi đếm xấp tiền lẻ để mua vé, giữa tài xế ô tô và các nhân viên trạm thu phí Cai Lậy có màn đối đáp khá hài hước…

Your browser doesn't support video.
Please download the file: video/mp4

(Clip: Màn đối đáp ‘bá đạo’ giữa tài xế trả tiền lẻ và nhân viên soát vé trạm thu phí Cai Lậy – Nguồn FB Long Huynh)

Đoạn clip được chính tài xế dùng camera đặt trong xe quay lại lúc 13h chiều qua (9/8) tại trạm thu phí Cai Lậy.

Theo đó, chia sẻ với nữ nhân viên bán vé, tài xế tỏ ra khá bức xúc bởi mỗi năm đã phải đóng hơn 3 triệu tiền phí bảo trì đường bộ, giờ lại tiếp tục đóng phí cho mục đích sửa đường là vô lý.

Khi một nam nhân viên tới gần cửa xe than thở “Anh làm như vậy chỉ khổ tụi em”, tài xế liền giải thích ngay, mục đích của mình không phải làm khó các nhân viên trạm thu phí mà chỉ muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng và báo chí.

Sau khi mất khoảng hơn 5 phút để đếm 50 ngàn tiền lẻ, tài xế cũng lịch sự cảm ơn các nhân viên bán vé rồi cho xe qua trạm.

Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng với hàng ngàn lượt xem và bình luận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ tài xế, một số người cho rằng cách làm này không hiệu quả đồng thời còn có thể gây ảnh hưởng cho nhiều người tham gia giao thông khác.

Tiền lẻ được tài xế nhét vào chai nhựa khi mua vé qua trạm thu phí Cai Lậy - Ảnh Zing.vn

Những ngày gần đây, nhiều tài xế liên tục bỏ tiền lẻ mệnh giá 500 đồng trong chai nhựa, bịch nylon trả phí khi qua trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để phản đối việc đặt trạm trên Quốc lộ 1. Theo đó, trung bình một xe trả tiền lẻ mất 5-7 phút làm thủ tục, thay vì 15-20 giây theo quy trình khiến đoạn đường lâm vào cảnh ùn tắc.

Được biết, trạm thu phí Cai Lậy bắt đầu hoạt động từ ngày 1/8 với mức phí dao động từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy từng loại xe. Theo giới tài xế, lẽ ra trạm chỉ được đặt trên tuyến tránh để thu tiền những xe nào đi trên đường tránh, không được thu trên tuyến quốc lộ 1 - tuyến đường vốn dĩ họ đã đóng tiền bảo trì đường bộ hàng năm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, trạm thu phí này nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần bảo trì, tăng cường Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Chủ đầu tư cho rằng dự án còn có bảo trì quốc lộ nên phải thu phí để hoàn vốn.

“Việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 để thu phí cả xe đi trên quốc lộ 1 và xe đi trên tuyến đường tránh là hoàn toàn hợp lý. Việc đặt trạm đã được Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận”, ông Hiệp nói.

Trao đổi với tờ Zing.vn, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sau khi nhận được thông tin người dân dùng tiền lẻ để phản đối thu phí tại trạm BOT Cai Lậy, Tổng cục đã có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang.

Trong văn bản gửi đi, quan điểm của Tổng cục là việc lái xe nhét tiền lẻ vào chai nhựa, vò nát tiền để đưa vào túi nylon trả phí đường bộ là hành động khó chấp nhận được.

“Làm sao để phù hợp lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý những người cố tình nhét tiền vào ống nhựa, vò nát tiền. Việc làm này để tránh gây ra tắc đường tại trạm BOT”, ông Huyện khẳng định.

Ùn tắc xảy ra ở trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang - Ảnh Báo Thanh Niên

Cũng về vấn đề này, phát biểu tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sáng 8/8, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Đối tác Công Tư (Bộ GTVT), cho rằng người dân phản đối các trạm thu phí không phải không muốn đóng tiền mà họ muốn công bằng trong việc thu phí.

Ông Huy Cho biết trong thời gian tới, Bộ GTVT không chỉ rà soát các trạm thu phí người dân có ý kiến mà còn rà soát tất cả các trạm thu phí trên cả nước. Mục đích là xem việc thu phí có đúng đối tượng, mức giá hay không và đảm bảo công bằng cho người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng khi đi giám sát các trạm BOT, đoàn công tác của Quốc hội nghe người dân phản ứng rất nhiều. Nhiều người cho rằng không sử dụng mét đường nào cũng phải chịu phí.

“Tôi cho rằng chúng ta phải quy định cụ thể về việc người dân ở khu này sẽ đóng phí ở mức này, người dân ở vùng khác đi xa hơn đóng phía mức cao hơn. Như vậy sẽ đảm bảo công bằng”, ông Thanh nói.