Chuyện phạt đèn vàng ở thế giới và Việt Nam

VOVGT-Hầu hết những nước có giao thông phát triển đều quy định đèn vàng phải dừng lại, trừ trường hợp không thể dừng một cách an toàn...

Đèn vàng là đèn chuyển tiếp từ xanh sang đỏ để dành thời gian cho các phương tiện chuẩn bị, tránh xung đột và tai nạn giao thông bất ngờ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hầu hết các nước phát triển, luật giao thông đều quy định rõ ràng: Đèn vàng là đèn chuyển tiếp từ xanh sang đỏ, dành thời gian cho các phương tiện chuẩn bị; là thời gian làm "sạch nút giao", tránh xung đột và tai nạn giao thông bất ngờ. Song, việc xử lý vượt đèn vàng được áp dụng không giống nhau ở nhiều nước. Có những nước phạt rất nặng, nhưng một số nước lại cho qua dễ dàng.

Ở Anh, luật giao thông quy định rõ, lái xe phải dừng xe trước mọi tín hiệu đèn, trừ đèn xanh. Trường hợp tín hiệu đèn từ màu xanh chuyển sang màu vàng, nếu đã qua khỏi vạch trắng thì có thể tiếp tục đi; còn nếu chưa qua vạch trắng thì phải dừng lại. Nếu vi phạm sẽ bị phạt là 100 Bảng (gần 3 triệu VNĐ).

Còn ở Úc, đa số các bang đều có quy định tương tự nhau về đèn vàng. Như ở Queensland, điểm quan trọng nhất phải hiểu: đèn vàng là điểm bắt đầu của đèn đỏ. Đã là điểm bắt đầu của đèn đỏ, đương nhiên lái xe phải chủ động dừng lại.

Nếu cố tình không dừng xe sẽ bị tăng gấp đôi mức phạt từ 200 đô Úc lên 433 đô Úc (khoảng từ 3 triệu đến hơn 7 triệu VNĐ). Số tiền này tương đương với mức phạt vượt đèn đỏ, ông Mark Bailey – Bộ trưởng Giao thông Úc nhận định:

 

“Điều này là cần thiết để ngăn chặn những hành vi lái xe vô trách nhiệm gây cản trở giao thông, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và gây rủi ro cho người đi bộ”.

Thế nhưng nhiều bang ở Mỹ, vượt đèn vàng không bị xem là vi phạm pháp luật. Ví dụ, tại bang California, đèn vàng được giải thích là "đèn khi chuyển từ xanh sang vàng tức muốn nói hãy cẩn thận, sắp có đèn đỏ. Lúc này, hãy dừng lại nếu an toàn. Nếu không thể dừng an toàn, hãy vượt qua nơi giao nhau một cách cẩn trọng". Tuy nhiên, hành vi này vẫn có thể bị phạt, nếu giới chức phát hiện vượt đèn vàng một cách bất cẩn, gây mất ATGT.

 

Cô Samatha Crowder - nữ tài xế taxi ở Mỹ chia sẻ quan điểm của mình: “Thật sự mà nói, khi đèn chuyển sang vàng, tôi vô cùng phân vân không biết nên dừng hay cố vượt đèn vàng. Bởi, việc dừng xe hay cố vượt trước khi chuyển sang đèn đỏ phụ thuộc vào khoảng cách xe tới ngã ba, ngã tư”.

 

Còn anh Richard Li cũng là lái xe cho biết: “Tôi thấy khoảng thời gian đèn vàng là để nhắc nhở các tài xế giảm tốc độ, hạn chế va chạm giao thông tại các nút giao cắt”.

Nhiều ý kiến trái chiều trong việc bỏ quy định xử phạt hành vi vượt đèn vàng

Như Kênh VOV Giao thông đã đưa tin, mới đây Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định xử phạt hành vi vượt đèn vàng. PGS. Lê Huy Trí - Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu giao thông, Học viện Cảnh sát nhân dân không tán thành vì, đèn vàng mà cho đi tiếp sẽ gia tăng nguy cơ tai nạn:

 

“Pha đèn vàng rất ngắn, nếu đèn vàng mà vẫn đi thì khi đến giữa ngã tư, hướng khác đã đèn xanh, xe lao vào, như vậy tạo ra xung đột giữa ngã tư và hoàn toàn có thể dẫn đến tình huống đâm va giữa xe đi từ 2 hướng”.

Hay theo một góc nhìn khác, chuyên gia ATGT Khương Kim Tạo kiến nghị: Bỏ hoàn toàn xử phạt vượt đèn vàng, ngay cả ở những nút giao thông có đèn đếm ngược; bởi lẽ xung đột giao thông giữa nút giao hiện nay hoàn toàn không phải vì vượt đèn vàng:

 

“Bên này bật đèn vàng, lẽ ra pha đối kháng phải chờ đợi vài ba giây, chưa được bật đèn xanh vội, thì có một số nút lại bật ngay đèn xanh, mới dẫn tới chuyện giao thoa là khi anh này chạy đèn vàng thì anh kia chạy đèn xanh, hoặc là anh kia vào nút sớm khi đèn còn chưa hết pha đỏ”.

Trong khi đó, nói đến việc chấp hành cũng như ý thức của người tham gia giao thông đối với hệ thống đèn tín hiệu; Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng PC67 Công an Hà Nội nói:

 

“Tôi cho rằng quy định về đèn vàng rất rõ, không được vượt quá vạch dừng nếu có tín hiệu đèn Vàng. Bởi theo nguyên tắc, khi đi vào khu dân cư đông người hay các trường hợp quy định trong luật, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ phương tiện. Từ đó, trường hợp không kịp dừng đèn vàng là khó xảy ra. Tuy nhiên, nhiều người lại cố tình hiểu sai luật để bao biện cho hành vi của mình”.

Có thể thấy, dù bỏ hay không bỏ việc phạt đèn vàng, thì chỉ có thay đổi nhận thức và ý thức của chính những người tham gia giao thông mới là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng giao thông ở Việt Nam.