Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Tư, 8/1/2025
Thế Giới

Singapore nỗ lực cải tiến thu phí không dừng qua vệ tinh

Huy Văn - Bích Diệp: Thứ tư 29/05/2024, 13:47 (GMT+7)

Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thu phí không dừng đối với các phương tiện tham gia giao thông. Đến nay, quốc gia này vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, nâng cấp loại hình thu phí này từ việc sử dụng cổng thu phí sang thu phí bằng vệ tinh.

 

Từ năm 2020, Singapore bắt đầu kế hoạch nâng cấp lên hệ thống thu phí đường bộ điện tử ERP 2.0 (Electronic Road Pricing) qua vệ tinh và AI. Hệ thống ERP 2.0 sẽ được cải tiến các chức năng ban đầu, giúp tăng tính chính xác trong việc xác định biển số xe, thông tin về phương tiện và chi phí liên quan.

Ngoài ra, hệ thống thu phí sử dụng vệ tinh linh hoạt với người dùng, tiết kiệm thời gian, đồng thời có thể tích hợp thêm một số tính năng khác nhằm cải thiện trải nghiệm tham gia giao thông của tài xế.

Nhưng do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 dẫn tới cuộc khủng hoảng thiếu chip trên toàn cầu, kế hoạch này bị chậm lại và đến tận tháng 8/2023, quá trình chuyển đổi mới có thể bắt đầu.

Hiện đã có khoảng 18.000 phương tiện tại Singapore được lắp đặt hệ thống ERP 2.0. Và từ ngày 1/5 năm nay, toàn bộ các phương tiện đăng ký mới tại Singapore sẽ buộc phải lắp đặt hệ thống thu phí mới.

Singapore vẫn đang trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng hệ thống thu phí không dừng ERP 2.0

Singapore vẫn đang trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng hệ thống thu phí không dừng ERP 2.0

Kể từ khi bắt đầu chuyển đổi, cơ quan giao thông đường bộ Singapore vẫn tiếp tục ghi nhận đóng góp, ý kiến từ người dân để việc chuyển đổi được trôi chảy và đạt được sự đồng thuận. Mới đây, cơ quan này đã thông báo về việc thay đổi vị trí khuyến nghị lắp đặt thiết bị xử lý trên xe, từ phía phần để chân của ghế hành khách chuyển sang phần chân ghế tài xế nhằm mục đích giúp tài xế dễ tiếp cận với thiết bị này hơn.

Khác với hệ thống ERP cũ, bộ lắp đặt ERP 2.0 của Singapore, hay còn gọi là OBU (Onboard-Unit) đối với xe ô tô sẽ có 3 thiết bị riêng biệt, bao gồm: Thiết bị xử lý, ăng-ten và màn hình hiển thị. Dù tài xế có thể tự do lựa chọn vị trí lắp đặt thiết bị, nhưng trước đó cơ quan Giao thông đường bộ khuyến nghị thiết bị xử lý – nơi gắn thẻ thanh toán nên được lắp đặt ở quanh phần chân tài xế hoặc hành khách, tránh lắp đặt ở phần thân trên như gần cửa kính để tránh tình trạng quá tải nhiệt.

Sau đó, nhiều ý kiến cho rằng việc lắp đặt thiết bị OBU ở phía chân ghế hành khách sẽ khiến tài xế khó tiếp cận thiết bị nên cơ quan giao thông đã thay đổi khuyến nghị để tránh gây sự cố.

Bộ trưởng Giao thông Chee Hong Tat giải thích thêm về thiết kế của OBU: 

"Qua nhiều nghiên cứu, chúng tôi có thể khẳng định việc đặt thiết bị OBU ở phần trên của xe sẽ khiến thiết bị chịu nhiệt độ cao hơn rất nhiều so với lắp đặt ở phần chân ghế, có thể dẫn đến quá tải, hỏng thiết bị. Còn với xe máy, do thiết bị tiếp xúc với không khí ngoài trời nên sẽ không chịu hiệu ứng tương tự. Đó là lí do chúng tôi quyết định thiết bị OBU trên ô tô sẽ được chia ra 3 phần khác nhau để đảm bảo an toàn”.

Một vấn đề khác hiện cũng đang được giải quyết, đó là bất tiện liên quan tới thẻ thanh toán cho thu phí không dừng. Thẻ thanh toán thu phí không dừng, hay còn gọi là thẻ CEPAS, hiện không chỉ dùng cho thu phí ERP, mà còn dùng cho một số tiện ích khác, đơn cử như đậu xe. Vì vậy, khi được gắn vào thiết bị xử lý của OBU, thẻ này sẽ không thể dùng để thanh toán các dịch vụ khác, và nếu thiết bị được gắn ở phần chân ghế, tài xế sẽ buộc phải với tay xuống để lấy chiếc thẻ ra.

Vì vậy, mới đây màn hình hiển thị của OBU đã được bổ sung thêm nút bấm cho phép tạm thời ngưng hoạt động của OBU, nhờ đó mà tài xế sẽ không cần rút thẻ ra khỏi thiết bị xử lý mà vẫn có thể tự động thanh toán các dịch vụ khác.

Hệ thống ERP 2.0 lắp đặt trên ô tô được chia ra làm 3 bộ phận riêng biệt vì lí do an toàn

Hệ thống ERP 2.0 lắp đặt trên ô tô được chia ra làm 3 bộ phận riêng biệt vì lí do an toàn

Bên cạnh đó, màn hình hiển thị của OBU cũng được cơ quan này thêm số tính năng khác, bao gồm các cảnh báo an toàn khi phương tiện đi qua một số khu vực nhất định như trường học. Một số cảnh báo khác như đi qua khu vực có camera giao thông sẽ được bổ sung trong tương lai.

Dù vậy, thiết bị này không bắt buộc phải được lắp đặt, theo Bộ trưởng Giao thông Chee Hong Tat: “Khi lắp đặt thiết bị OBU, các tài xế sẽ được đại lý ô tô, chủ gara hỏi liệu họ có muốn lắp đặt màn hình hiển thị OBU hay không. Bởi không phải ai cũng dùng thiết bị này, một số người thích sử dụng điện thoại của họ hơn. Dù vậy, chúng tôi vẫn khuyến khích các tài xế lắp đặt đầy đủ”.

Hiện cơ quan giao thông đường bộ Singapore cho biết vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận phản hồi từ tài xế, đại lý ô tô hay các gara sửa chữa để có những điều chỉnh kịp thời với thiết bị OBU trong tương lai.

Còn tại Việt Nam, mói đây, Báo cáo Chính phủ về dự án thu phí tự động không dừng (ETC), Bộ GTVT cho biết, thu phí không dừng được triển khai đại trà trên đường cao tốc, quốc lộ từ năm 2015.

Theo Bộ GTVT, hiện hệ thống thu phí điện tử không dừng triển khai đã đạt được mục tiêu 100% các làn sử dụng đơn làn ETC có barrier. Còn với triển khai thu phí không dừng bỏ barier trong tương lai, Bộ GTVT cho biết đã chấp thuận cho dự án thành phần cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được thí điểm mô hình hệ thống thu phí điện tử không dừng bỏ barie đầu vào.

Còn theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, hệ thống thu phí tự động không dừng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong thu phí giao thông, nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cần tiến thêm bước nữa.

Việc thu phí qua vệ tinh và qua GPS như Singapore sẽ giúp thu phí vào nội đô tại các đô thị lớn dễ dàng hơn, đồng thời giảm bớt ùn tắc giao thông.

Huy Văn - Bích Diệp/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn