Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Giao thông trên trời sẽ không còn là giấc mơ xa vời?

Thuý Vy - Huy Văn: Thứ tư 29/05/2024, 15:00 (GMT+7)

"Xe bay” là một loại phương tiện có thể hoạt động cả trên đường bộ và trên không. Nhiều mẫu thử đã được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, sử dụng một loạt các công nghệ bay khác nhau. Hiện nay, đã có rất nhiều dự án xe bay, tất cả đều mong muốn hiện thực hoá phương tiện này.

Trong đó, công ty Xpeng AeroHT – nhánh nhỏ của tập đoàn Xpeng đang đặt mục tiêu bàn giao những chiếc ô tô bay cho khách hàng vào năm 2026.

Theo Công ty tài chính JP Morgan, thị trường phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng điện (eVTOL) có thể đạt giá trị lên đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2040. Hàng loạt công ty đầu tư vào eVTOL với hy vọng thực hiện hóa những cái tên “xe bay”, “taxi bay” hoặc “máy bay chở khách” trong thập kỉ này. Một số người cho rằng đây là phương án khả thi để thay thế cho việc đi lại trong môi trường đô thị hoặc giữa các thành phố gần nhau.

Tại Trung Quốc, ô tô bay giúp cung cấp các giải pháp vận chuyển sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì vị thế lãnh đạo thị trường, tiến bộ công nghệ, mở rộng các ứng dụng thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ.

Mẫu thiết kế chiếc Land Aircraft Carrier của Xpeng có thiết bị bay không người lái chở khách bên trong xe điện. Ảnh: CNBC

Mẫu thiết kế chiếc Land Aircraft Carrier của Xpeng có thiết bị bay không người lái chở khách bên trong xe điện. Ảnh: CNBC

Vào năm ngoái, nhà sản xuất Xpeng AeroHT giới thiệu Land Aircraft Carrier — một chiếc xe tải lớn kèm máy bay không người lái. Thiết bị này hiện đang trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.

Ông Brian Gu - Chủ tịch Xpeng tiết lộ phương tiện này sẽ mở đặt hàng trước trong năm nay. Dự kiến giá bán khoảng 138.000 USD:

“Thiết bị này được thiết kế để được sử dụng trong vùng ngoại ô chứ không phải trung tâm đô thị. Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng các khu vực bay chuyên biệt giúp người dân tận hưởng chuyến bay mà không cần lo về việc xin những giấy tờ phức tạp.”

Hiện các cơ quan quản lý hàng không trên toàn thế giới đang chịu trách nhiệm đưa ra quy tắc liên quan đến ô tô bay, gồm Cơ quan an toàn hàng không của Liên minh châu Âu (EASA), Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc. Tất cả các cơ quan quản lý này đưa ra nhiều quy tắc và tiêu chuẩn chứng nhận đặc biệt mà các nhà sản xuất và điều hành của ô tô bay cần tuân thủ trước khi có thể đưa những phương tiện này vào hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng xe bay là phương tiện thiết yếu. Tom Chitty – Nhà sản xuất Đa phương tiện chính của CNBC International cho rằng chúng ta vốn đã có trực thăng, phương tiện bay có thể giúp chúng ta di chuyển trên một quãng đường ngắn. Do đó, ông hoài nghi về việc liệu những chiếc “xe bay” này có thật sự cần thiết hay không.

Tuy nhiên, Arjun Kharpal - Phóng viên Công nghệ Cao cấp của đài CNBC cho rằng xe bay sẽ dễ dàng tiếp cận hơn là trực thăng:

“Con người đang nỗ lực thay đổi một thế giới ngày càng xanh và bền vững hơn. Trực thăng là một phương tiện vô cùng ồn ào và giá của chúng cũng chẳng dễ tiếp cận chút nào. Nhiều công ty dự kiến sẽ sử dụng những chiếc xe bay để vận hành taxi công nghệ như Uber.”

Ông Tom Chitty cho rằng đây vẫn là một dịch vụ tốn kém hơn rất nhiều so với Uber Premium – dịch vụ đón khách hàng bằng xe sang của Uber.

Một mẫu xe bay khác do công ty công nghệ cao Trung Quốc AutoFlight phát triển. Ảnh: Chinadaily

Một mẫu xe bay khác do công ty công nghệ cao Trung Quốc AutoFlight phát triển. Ảnh: Chinadaily

Về vấn đề này, PV Arjun Kharpal của đài CNBC cho biết mỗi loại phương tiện mới đều cần một khoảng thời gian nhất định để người dân chấp nhận:

“Mức giá ban đầu sẽ rất cao nhưng rồi sẽ dần dần ổn định. Chúng ta đang sống ở London, một thành phố có hệ thống giao thông tuyệt vời, người dân có thể di chuyển trong thành phố nhanh hơn bằng tàu hỏa hoặc thậm chí là đi bộ so với việc đi xe ô tô.

Tuy nhiên, ở nhiều thành phố chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào ô tô, hãy nghĩ đến cảnh bạn có thể bay trên bầu trời mà không cần quan tâm đến ùn tắc giao thông ở dưới đất. Đây cũng là một trong những lí do hiện nay có rất nhiều người đang đầu tư vào eVTOL.”

Hiện, Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường eVTOL toàn cầu, chiếm 50% tổng số mẫu xe, so với 18% ở Hoa Kỳ và 8% ở Đức. Theo các báo cáo, doanh thu từ ngành eVTOL đã tăng 77,3% so với năm ngoái, lên đến 980 triệu nhân dân tệ (Khoảng hơn 135 triệu USD).

Còn tại Việt Nam, Triển lãm Motor Việt Nam 2022 chứng kiến gian hàng Mô tô bay Pegatus tới từ thương hiệu Airlios – Thương hiệu công nghệ phát triển, nghiên cứu và sản xuất phương tiện bay cá nhân đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Với phiên bản tiêu chuẩn, môtô bay của Airlios có duy nhất một chỗ ngồi với chiều dài 1,9 m, chiều cao 1,15 m và sải cánh 2 m. Trọng lượng tĩnh 220 kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 320 kg, tải trọng đạt 100 kg. Quãng đường bay tối đa là 33 km, tốc độ tối đa 100 km/giờ và thời lượng bay tối đa (với tải trọng 100 kg) là 20 phút. Độ cao bay dưới 120 m. Theo giới thiệu, Pegasus đã bay thử nghiệm hơn 100 giờ và di chuyển tổng quãng đường 1.000 km tại "khu vực an toàn" tại Hà Nội và một số tỉnh miền Tây.

Dự kiến môtô bay của Airlios sẽ chính thức bán ra thị trường vào năm 2027 dưới hình thức bán đứt hoặc cung cấp dịch vụ vận tải với mức giá khoảng 2 tỷ đồng.

Thuý Vy - Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn