Chuyện hôm nay: Tiếng Anh trên đường

Trên nhiều tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam, chúng ta sử dụng một khái niệm hầu như tôi không thấy ở bất kỳ nước nào trên thế giới, đó là khái niệm “Interchange” (tạm dịch là: nút giao cắt), mà trên các cao tốc của chúng ta thường viết tắt là “IC”...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Có lần một người bạn nước ngoài đến Việt Nam và hỏi tôi rằng: “Liệu có phải Việt Nam là một nước mà tiếng Anh đã được sử dụng phổ biến không?”

Anh ta hỏi tôi như vậy bởi vì tiếng Anh không chỉ được sử dụng trên biển hiệu của các doanh nghiệp với tên giao dịch quốc tế, mà thậm chí các cơ quan nhà nước cũng sử dụng tên tiếng Anh và cả tên viết tắt bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, có một điều mà tôi muốn nói ở đây, đó là cách chúng ta đang sử dụng tiếng Anh trên đường giao thông, quốc lộ và cao tốc.

Một ví dụ ngây ngô cách đây vài năm và gần đây tôi thấy vẫn còn tình trạng này, đó là trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (đoạn gần nút giao Thịnh Đán), có một biển báo hoàn toàn bằng tiếng Anh và ghi trên đó là “Keeping space around your vehicle 50m” (tạm dịch là: hãy giữ cho không gian xung quanh phương tiện của bạn đảm bảo khoảng cách là 50m).

Chúng tôi nói vui là, với biển báo đó thì phương tiện đi trên đường phải bay cách mặt đất khoảng 50m.

Ảnh nh họa

Hay trên nhiều tuyền đường khác, ngay dưới biển thông báo tốc độ thường có thêm một chữ “zone”, ví dụ như zone 60, zone 50.

Điều này tôi thấy tương đối lạ vì ngay cả những nước sử dụng tiếng Anh họ cũng không sử dụng từ “zone” (tạm dịch là: vùng). Và ngay cả trên những biển báo đó cũng không có một từ tiếng Việt nào cả.

Hoặc có một cái biển báo khác trên cao tốc, thậm chí loại biển báo này còn nằm trong ‘Tiêu chuẩn Việt Nam về biển báo đường bộ’, đấy là biển báo “Safe stopping distance” và không kèm theo một con số nào cả. “Safe stopping distance” là một khái niệm về giao thông đường bộ liên quan đến khuyến nếu ở trên một con đường, xe cộ đang lưu thông với tốc độ cao, thì giữa các xe phải đảm bảo một khoảng cách nhất định nào đó.

Thông thường, ở nhiều quốc gia mà tôi từng đi qua và lái xe qua, tôi thấy họ ghi nội dung trên các biển báo tương đối đơn giản. Ví dụ họ vẽ một mũi tên ở giữa hai chiếc xe và ở dưới là con số 50m, 60m hay 100m.

Thứ nhất, biển báo “safe stopping distance” (tạm dịch là: giữ khoảng cách an toàn) lại chỉ toàn là chữ, không có một con số nào cả. Thế thì tôi phải giữ khoảng cách là bao nhiêu? Thậm chí, đây có thể coi là một khái niệm luật.

Và việc không giữ đúng khoảng cách an toàn là một trong số những hành vi có thể bị xử phạt hành chính khi lái xe. Nhưng thực tế, trên biển báo nêu trên lại không hề có đủ thông tin.

Hay một ví dụ nữa, đó là trên nhiều tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam, chúng ta sử dụng một khái niệm hầu như tôi không thấy ở bất kỳ nước nào trên thế giới, đó là khái niệm “Interchange” (tạm dịch là: nút giao cắt), mà trên các cao tốc của chúng ta thường viết tắt là “IC”.

Cả thế giới gần như đều sử dụng một từ rất đơn giản áp dụng cho lối ra đó là “Exit”, rồi họ đánh số cho các lối ra đó, ví dụ như: Exit 1, Exit 2, Exit 3… Mọi người sẽ hiểu là nếu muốn đi ra cao tốc ở lối ra số bao nhiêu, có thể nhìn theo các biển báo có chữ “Exit” kèm theo số thứ tự.

Còn chúng ta thì lại khác, khi dùng từ “IC” – một khái niệm thật ra là rất nhiều người không hiểu đó là cái gì. “Interchange” (tạm dịch là: nút giao cắt), nhưng thực tế cũng chẳng có một nút giao nào cả, mà đó chỉ là một lối để đi ra ngoài cao tốc mà thôi.

Thực tế, chúng ta có rất nhiều biển chỉ dẫn địa danh bằng tiếng Anh trên cao tốc mà thú thực là không ai hiểu. Chúng ta cũng thiếu rất nhiều biển báo bằng tiếng Anh mà người tham gia giao thông trên thế giới rất quen thuộc, ví dụ như: “Keep left” (Hãy đi về phía bên trái); “Keep right” (Hãy đi về phía bên phải); “Right lane must turn right” (áp dụng cho các làn ở trên cao tốc bắt buộc bạn rẽ sang bên phải).

Tôi nghĩ, trong câu chuyện này, có lẽ đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Tổng cục đường bộ Việt Nam, là Bộ giao thông vận tải cần (và nên) có một quy chuẩn về sử dụng tiếng Anh và tiếng Việt để làm chỉ dẫn trên đường giao thông.

Chúng ta đã hòa nhập với thế giới, mặc dù chưa có nhiều người nước ngoài lái xe vào Việt Nam (nhưng tôi tin là sẽ có) nên tôi nghĩ sự thay đổi này là cần thiết.

Và đã là cần thiết thì cần phải có một quy chuẩn. Và quy chuẩn đó nên được xem xét cả về mặt ngữ nghĩa, về mặt thông lệ quốc tế, cũng như về nguyên tắc điều khiển giao thông trên thế giới.

Để làm được điều này chúng ta cũng không cần phải sáng tạo gì nhiều. Đơn giản là chúng ta chỉ cần học hỏi những quốc gia họ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất, mà là ngôn ngữ thứ hai để dành cho các khách quốc tế đến quốc gia của họ.