Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Cấm điện thoại khi lái xe: Cấm cứ cấm, dùng cứ dùng

Quách Đồng - Kiều Tuyết: Thứ năm 28/03/2024, 14:55 (GMT+7)

Bộ Công an đang đề xuất cấm dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Vậy, cần quy định thế nào để thực thi, khi trước đó cũng đã cấm hành vi này, nhưng không thể giám sát, phát hiện, dù vi phạm rất phổ biển?

 

Ảnh chụp tại Ngã tư Sở (Hà Nội)

Ảnh chụp tại Ngã tư Sở (Hà Nội)

Không ít lần phải nhận cuộc điện thoại khi đang lái xe, bạn Trần Đại Nghĩa (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) lựa chọn việc dùng tai nghe mỗi khi đi trên đường. Nghĩa thừa nhận, cũng có khi nghe điện thoại trực tiếp: "Thường thì tôi cũng hay sử dụng tai nghe khi nghe điện thoại, nên nhiều khi cứ vừa đi vừa nghe thôi. Lúc nào không dùng tai nghe mới phải dừng lại".

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã cấm sử dụng điện thoại khi lái xe, song, hiện hành vi này vẫn diễn ra khá phổ biến, cả khi đang dừng chờ đèn đỏ cho đến đang tham gia giao thông, cả người đi mô tô, xe gắn máy và ô tô:

"Nếu cuộc điện thoại là các số lạ hoặc những số không cần thiết phải nghe thì mình sẽ không nghe. Còn nếu số đấy cảm thấy cần thiết thì mình sẽ nghe điện thoại".

"Cũng có sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, đó là khi sử dụng google map để tra đường đi hoạc khi dừng đèn đỏ quá lâu thì sẽ dùng điện thoại để check tin nhắn hoặc lướt mạng xã hội".

"Cũng nguy hiểm, nhưng vì công việc nên phải chấp nhận thôi".

Mặc dù tình trạng sử dụng điện thoại khi lái xe diễn ra tương đối phổ biến, song việc xử lý vi phạm với hành vi này không hề dễ dàng. Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, khó khăn nhất là việc chứng minh hành vi vi phạm. Bởi với người đi ô tô, nếu không có hình ảnh hành vi vi phạm sẽ không thể xử lý. Bởi vậy, dù hành vi này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, song số trường hợp bị xử lý rất ít.

"Người ngồi trong ô tô khi nghe điện thoại thì các lái xe thường có những biện minh hoặc yêu cầu cung cấp hình ảnh người ta đang sử dụng, nên để xử lý được một trường hợp mất rất nhiều thời gian để chứng minh việc đó. Với người đi xe máy thì khi phát hiện có lực lượng thì tắt máy ngay", Trung tá Phạm Văn Chiến cho biết.

Theo lực lượng chức năng, khó khăn nhất là việc chứng minh hành vi vi phạm. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Theo lực lượng chức năng, khó khăn nhất là việc chứng minh hành vi vi phạm. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cũng cho biết, mặc dù số lượng sử dụng điện thoại khi lái xe bị phát hiện và xử lý chưa nhiều, song do tính chất nguy hiểm của hành vi này đối với người tham gia giao thông, nên trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tiếp tục cấm hành vi này và lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm:

"Chúng tôi cũng đề nghị người tham gia giao thông cần phải đặc biệt chú ý việc sử dụng điện thoại di động, nếu đang lưu thông trên đường mà cần thiết phải dùng điện thoại thì anh có thể tìm cách đưa xe vào sát lề đường bên phải, nơi được phép dừng đỗ thì sử dụng điện thoại để đảm bảo an toàn".

Từ thực tế công tác kiểm tra, xử lý, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 9, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội ccho biết, kết quả xử lý vi phạm của đơn vị chủ yếu tập trung vào tài xế xe công nghệ, shipper… Còn với người điều khiển ô tô, thậm chí nhiều tài xế còn biện minh: chỉ cầm điện thoại bỏ sang chỗ khác.

Bởi vậy, Thiếu tá Trần Quang Chinh kiến nghị: "Cần đưa lỗi sử dụng điện thoại này là một trong những lỗi cần phải xử lý nghiêm, triệt để vì đây là một trong những lỗi chính, là nguyên nhân gây ra TNGT. Còn trong quá trình xử lý, với cán bộ xử lý phải nghiêm túc, cứng rắn, giải thích rõ ràng cho người vi phạm về mức độ vi phạm thế nào, Luật quy định ra sao và tác hại của việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông như thế nào?..."

Theo TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức, quan trọng là công cụ. Với sự bao phủ ngày càng rộng khắp của hệ thống camera giám sát, hình ảnh do người dân cung cấp, nếu dữ liệu được tích hợp, khai thác, chia sẻ tốt, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể xử lý được hành vi này:

"Quan trọng nhất đối với hành vi này phải có công cụ để phát hiện. Như ở nước ngoài người ta sử dụng hệ thống camera phạt nguội và trích xuất được hình ảnh, nhìn rõ mặt mũi và biển số của anh thì anh không thể nào chối cãi được. Chưa cần xử phạt lúc anh điều khiển, mà lúc anh đi kiểm định là sẽ phạt. Và phải phạt rất nặng. Không cần phải bắt nhiều nhưng đã bắt được là phải xử lý nghiêm minh thì nó sẽ có tính răn đe cao". 

Ảnh chụp trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội). Một 'combo lỗi': Không mũ bảo hiểm, xe máy không gương, đi vào đường cấm, sử dụng điện thoại. (Ảnh: Phúc Tài)

Ảnh chụp trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội). Một "combo lỗi": Không mũ bảo hiểm, xe máy không gương, đi vào đường cấm, sử dụng điện thoại. (Ảnh: Phúc Tài)

Rảnh tay và bận lòng

Mặc dù mức phạt với hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe liên tục được nâng lên, từ Nghị dịnh 100/2019 đến Nghị định 123/2021, song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến, do không kịp phát hiện và xử lý kịp thời. Bởi vậy, để xử lý hành vi này, cần tận dụng ưu thế của công nghệ, từ camera giám sát, đến chứng cứ của người dân, tạo thuận lợi cho lực lượng thực thi.

Quy định về cấm dùng tay sử dụng điện thoại khi lái xe vẫn đang có hiệu lực kể từ luật Giao thông đường bộ 2008 đến nay, nhưng năng lực thực thi rất thấp. Cho nên khi được nhắc lại ở Luật TTATGT đang xây dựng, nó không khỏi gây băn khoăn.

Người ta băn khoăn về khả năng lặp lại và tiếp diễn tình trạng “nhờn quy định”, trong bối cảnh, chiếc điện thoại ngày càng gắn chặt hơn với nhiều người. Và ghi nhận trực quan, người lái ô tô sử dụng điện thoại ngày càng phổ biến.

Thính giả rảnh tay đã không ít lần gửi tới VOVGT với những hình ảnh, video về người ngồi xe bên cạnh tranh thủ nhắn tin, xem phim, tương tác mạng xã hội ngay khi đang cầm lái, chứ không chỉ là nghe gọi.

Lo ngại càng có căn cứ khi cho đến nay, việc quản lý các dịch vụ xe xe ghép, xe hợp đồng vẫn đang lúng túng, với những tài xế vừa chạy xe, vừa điện thoại liên tục để trao đổi với khách, vừa xem bản đồ chỉ đường.

Tai nạn do điện thoại khi lái xe đã không còn là nguy cơ. Nhưng khi hiện tượng này vẫn phổ biến, nó đặt ra những yêu cầu mới trong thiết kế quy định và thực thi pháp luật.

Trước hết, cần quy định rõ hơn, chi tiết hơn các hành vi nguy hiểm, bị hạn chế liên quan đến sử dụng điện thoại khi đang lái xe. “Sử dụng” là một từ chung chung. Công nghệ các phát triển,  các loại thiết bị điện tử ngày càng phong phú và hình thái “sử dụng” theo đó cũng rất đa dạng.

Vậy từ giải nghĩa thuật ngữ trong luật cũng cần làm rõ nội hàm thiết bị điện tử, quy định rõ các hình thức, cách thức sử dụng bị cấm. Bởi thực tế các nghiên cứu về ATGT đã cho thấy, ngay cả cuộc điện thoại rảnh tay cũng có thể gây bận lòng người lái, dẫn đến mất tập trung, mất ổn định tâm lý,  cảm xúc, và đều có thể là tác nhân tai nạn.

Quy định cần thiết kế đủ mở để phù hợp với xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ trong đời sống giao thông, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tính chặt chẽ, chi tiết để chỉ có một cách hiểu, rõ ràng và thống nhất.

Quy định cần sự đồng bộ giữa các luật, để lực lượng chấp pháp không vướng khi thực thi, do liên quan đến các quyền về nhân thân và tài sản

Thứ hai, cần thay đổi cách tổ chức thực hiện, để quy định đi vào đời sống và có tác dụng ngăn ngừa, chứ không chỉ là cảnh báo.

1

Số trường hợp dùng điện thoại khi đang lái xe bị xử phạt rất ít so với vi phạm thực tế, và hiếm khi được công bố rộng rãi. Điều này phần nào dẫn đến nhầm tưởng của người tham gia giao thông rằng đó không phải là việc gì nguy hiểm.

Nếu vấn đề nằm ở chỗ lực lượng quá mỏng, trang thiết bị nghiệp vụ không đủ để phát hiện và xử lý, thì cần sửa quy định để sử dụng hiệu quả các chứng cứ do người dân cung cấp. Xử lý vi phạm có rất nhiều cấp độ, không nhất thiết phạt tiền, phạt quả tang. Trích xuất dữ liệu hỉnh ảnh, camera gửi về nơi học, nơi làm, nơi sinh sống của người vi phạm và yêu cầu xử lý, báo cáo phản hồi, thì tác dụng giáo dục răn đe sẽ không hề nhẹ.

Cũng bởi tính chất nguy hiểm cao độ, dùng điện thoại khi đang lái xe nên được đưa vào nhóm vi phạm bị trừ điểm bằng lái, để lái xe phải thuộc nằm lòng.

Hà Nội, TPHCM đều đang có kế hoạch phủ rộng hệ thống camera công cộng tại nhiều nơi. Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đang tích cực được xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ. Đây là nền tảng quan trọng cho phép kiểm soát tốt hơn việc chấp hành pháp luật của mỗi người, trong đó có luật giao thông.

Và điều kiện không thể thiếu để người tham gia giao thông chấp hành được quy định mà không bị ảnh hưởng nhiều đến các mặt đời sống khác, là sự phù hợp của hạ tầng.

Đường sá cần có điểm dừng đỗ, dừng nghỉ với cự ly phù hợp để khi có việc khẩn cấp, lái xe có thể dừng lại nghe cuộc điện thoại quan trọng mà không mắt trước mắt sau lo bị phạt, hoặc gặp rủi ro tai nạn.

Giao thông công cộng cần đáp ứng tốt hơn, để với các môi trường phức tạp và nhiều áp lực như nội thành, đa số người dân không cần, không muốn phải sử dụng xe cá nhân.

Các phương thức vận tải kết nối bằng công nghệ cần được đưa vào khuôn khổ pháp lý, để không còn tình trạng lái xe vừa chạy vừa alo đón khách.

Quan niệm “rảnh tay là an toàn” đang là một rào cản lớn trong cả thiết kế cũng như thực thi quy định pháp luật về cấm điện thoại khi lái xe. Vì thế, để luật không bị “nhờn”, thì khi thiết kế, các nhà làm luật cần “bận tâm” nhiều hơn, dụng công nhiều hơn, để người chấp hành phải nghĩ khác, và tất nhiên ứng xử khác, ngay từ khi quy định được đọc lên./.

Quách Đồng - Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang

Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang

Trong các ngày 25 và 26/7/2024, trên địa bàn TP.Hà Nội diễn ra các hoạt động phục vụ Lễ Quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Công an thành phố Hà Nội phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các loại phương tiện.

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng nay (25/7), Lễ viếng chính thức đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tổ chức đồng thời ở Hà Nội, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Mạnh tay xử lý các vi phạm tại dự án QL21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình (Hà Nội)

Mạnh tay xử lý các vi phạm tại dự án QL21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình (Hà Nội)

Người dân Thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội phản ánh về tình trạng bụi bặm, đường xá ngổn ngang do công trình cải tạo, chỉnh trang lại vỉa hè, hệ thống thoát nước và chiếu sáng trên QL21B đoạn qua thị trấn Vân Đình đang triển khai thi công, ảnh hưởng đến đi lại và đời sống.

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Năm 2023, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam vào khoảng 600 nghìn tấn, bằng 63% lượng đường của các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cờ vỉa

Cờ vỉa

Với cánh mày râu, có một món ăn tinh thần vẫn tồn tại lâu nay trong cuộc sống, đó là thú chơi cờ tướng vỉa hè. Nếu bộ hàng ngang qua những vỉa hè trên phố, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng nhóm người tụ tập xung quanh bàn cờ tướng kèm theo những âm thanh nhộn nhịp cả một góc phố.

Làm đường dành cho người đi bộ nhưng lại cho đỗ ô tô?

Làm đường dành cho người đi bộ nhưng lại cho đỗ ô tô?

Tại Hà Nội, nhiều tuyến đường đã được đầu tư từ lâu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thế nhưng các tuyến đường này vẫn chưa cho thấy hiệu quả hoạt động của nó. Đơn cử như tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, phần đường đáng ra được dành riêng cho người đi bộ, thì nay đã trở thành bãi đỗ xe…

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Sau giai đoạn ủy thác ban đầu, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý quốc lộ là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho trung ương mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc quản lý và bảo trì quốc lộ.