Chuyện hôm nay: “Luật rừng” trong rừng luật

Hệ thống pháp luật tuy rất đa dạng và cập nhật, bổ sung liên tục nhưng những hành xử theo kiểu “Luật rừng” vẫn diễn ra khá phổ biến, thậm chí có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện nay.

Điều đáng báo động là không ít người, thậm chí những người là cán bộ, công chức đang công tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật sẵn sàng lựa chọn luật rừng để giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày.

Thế nào là “Luật rừng”? Đó chính là những hành xử không tuân theo quy định hoặc trái quy định của pháp luật. Hiểu theo nghĩa bóng thì đây là những hành xử rất “rừng rú”, theo kiểu kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu.

“Luật rừng” hay còn gọi là luật giang hồ xuất hiện từ rất lâu, trong các xã hội phong kiến, khi mà hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện hoặc còn nhiều bất công thì Luật giang hồ thậm chí được coi như biểu tượng của công lý.

Nhiều “anh hùng” xuất hiện “thay trời hành đạo”, bảo vệ kẻ yếu trước cường quyền đã đi vào thơ ca. Tác phẩm “Thủy Hử” của văn học Trung Quốc, hay ngay ở Việt Nam ta vẫn lưu truyền hai câu thơ trong dân gian về chàng Lía ở xứ Bình Định – Người của giới giang hồ có nghĩa cử cướp của người giàu chia cho người nghèo:

“Chiều chiều én liệng truông mây

Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành”

Ảnh nh họa: Người đưa tin

Xã hội ngày nay, khi mà các nhà nước dân chủ ra đời cùng với hệ thống pháp luật được hoàn thiện thì việc hành xử theo kiểu “Luật rừng” là không thể chấp nhận được.

“Luật rừng” phổ biến sẽ làm giảm vai trò của nhà nước trong quản lý xã hội, làm mất trật tự an toàn xã hội, làm băng hoại đạo đức, văn hóa và kìm hãm phát triển kinh tế đất nước.

Tìm ra nguyên nhân để loại bỏ “Luật rừng” ra khỏi đời sống xã hội để xây dựng một xã hội văn nh là nhiệm vụ rât cần thiết.

Một nguyên nhân dễ thấy là hệ thống pháp luật dân sự hiện nay còn rất nhiều bất cập, ví dụ khi một người muốn đòi nợ thì thủ tục khởi kiện ra tòa án rất phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí trong khi hiệu quả lại không cao.

Con nợ vẫn sống ung dung bằng việc tẩu tán tài sản, chuyển tài sản cho người khác đứng tên để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, chủ nợ biết thế nhưng không thể làm gì được. Một ví dụ khác là chủ nhà có nhà cho thuê, người thuê không trả tiền nhà đúng hạn nhưng không chịu chuyển nhà đi, để đòi được nhà thì chủ nhà cũng phải rất gian nan nếu thông qua con đường tòa án.

Trong những trường hợp này, nhiều người sẵn sàng dùng “Luật rừng”  để thực hiện, bởi đơn giản các thủ tục khởi kiện tại tòa án mất quá nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc nhưng hiệu quả lại không cao bằng.

Vì thế, thậm chí có cả trường hợp Phó Chánh án TAND quận 4, TP HCM cùng một giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM đã sử dụng “Luật rừng” và sau đó cả 2 bị đưa ra xét xử về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

Pháp luật là 1 phương tiện để bảo vệ quyền lợi của người dân và để người dân bảo vệ quyền lợi của mình. Khi những quy định của pháp luật không đầy đủ, khó thực thi hay kém chất lượng thì sẽ khiến người dân tìm đến Luật rừng để bảo vệ cho mình.

Những bất cập của chính sách pháp luật về đất đai, bất cập trong thủ tục hành chính và nhiều lĩnh vực khác đã gây bức xúc trong xã hội, làm cho tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp và làm cho các hành xử theo kiểu “Luật rừng” trong xã hội gia tăng, nhưng những bất cập này không hoặc rất ít được khắc phục.

Nhóm lợi ích luôn muốn hệ thống pháp luật có nhiều bất cập để họ có cơ hội “đục nước béo cò” mặc cho bức xúc của người dân. Trong phiên thảo luận về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2023 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 đang diễn ra, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu QH thành phố HCM cũng đã chỉ rõ “Có những luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng rất bất tiện cho người dân.

Có luật bị rơi vào quên lãng hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách, hay biện pháp hành chính, không phải là một luật đúng nghĩa. Luật rừng là có hại nhưng một rừng luật với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn".

Bên cạnh đó còn một bất cập khác đó là những nhà làm luật chỉ lo bàn những đạo luật “trên trời” còn những đạo luật gần gũi và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân lại không được bàn đến hay làm luật với tư duy để dễ cho quản lý chứ không tính đến quyền lợi của người dân cũng khá phổ biến.

Vụ việc Phó Công an phường đòi bắt người, đánh phụ nữ trong đêm tại Cao Bằng, nhiều người hẳn vẫn chưa quên

Những năm qua, mỗi kỳ họp Quốc hội diễn ra, dư luận lại dậy song với những phát biểu rất ngây ngô, thậm chí đến vô cảm của nhiều ĐBQH trên nghị trường. Bỏ qua yếu tố lợi ích nhóm thì chất lượng của những người làm chính sách pháp luật và cả những người thực thi pháp luật cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ban hành các văn bản pháp luật kém chất lượng, thậm chí, nhiều luật vừa ra đời đã bất cập và không triển khai được.

Một người làm chính sách pháp luật có năng lực hạn chế thì không thể xây dựng được những đạo luật có giá trị, một người thực thi pháp luật mà thiếu trình độ thì dễ làm oan sai. Điều này không những gây tốn kém về thời gian và tiền bạc của nhà nước, của xã hội mà còn gây bức xúc cho nhân dân và khiến lối hành xử “Luật rừng”  gia tăng.

“Luật rừng” gia tăng thì công lý trở nên mờ nhạt. Nhiều người chọn “Luật rừng” để giải quyết khúc mắc thì cũng đồng nghĩa có nhiều người không còn tin vào pháp luật.

Hoàn thiện những bất cập của pháp luật để pháp luật được áp dụng có hiệu quả trong cuộc sống, để người dân lựa chọn pháp luật để bảo vệ mình.

Loại bỏ lợi ích nhóm ra khỏi khâu ban hành chính sách pháp luật để tránh xung đột lợi ích giữa các chủ thể. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm luật và thực thi pháp luật, loại bỏ tình trạng “con ông cháu cha” trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức để chấm dứt tình trạng cho ra đời những đạo luật kém chất lượng là những chìa khóa để loại bỏ “Luật rừng” ra khỏi đời sống xã hội hiện nay.

Bên cạnh đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đề cao vai trò của người dân và báo chí trong giám sát việc ban hành chính sách pháp luật và thực thi pháp luật cũng là một yếu tố hết sức quan trọng.

Một xã hội văn nh thì không thể có “Luật rừng”!