Chương trình đường tin 18h ngày 3/1: Xử phạt xe không chính chủ

VOVGT - Bắt đầu từ ngày 1/1/2017, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sẽ có hiệu lực

Bắt đầu từ ngày 1/1/2017, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sẽ có hiệu lực. Trong đó, những lỗi vi phạm giao thông phổ biến sẽ được đưa vào xử phạt. Cụ thể: Phạt 100.000-200.000 đồng với hành vi không làm thủ tục sang tên chính chủ khi mua, được cho, tặng, phân bổ, điều chuyển, thừa kế tài sản là mô tô, xe máy và các loại xe tương tự mô tô. Phân tích thêm về những tác động của các chính sách giao thông mới, Ths Vũ Đình Hiền cho biết, việc phạt xe không chính chủ sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, giám sát giao thông:

"Việc xe chính chủ thì có cái tiện cho sau này trong việc tổ chức giao thông. Trong việc tổ chức giao thông nếu có camera giám sát với những lỗi vi phạm mà sau này là phạt nguội mà đúng biển số xe và xe chính chủ thì nó sẽ rất là tiện trong công tác quản lý giao thông."

Cũng bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm 2017, Nghị định về lệ phí trước bạ có hiệu lực. Theo đó, chủ xe máy, ô tô có 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải nộp phí trước bạ theo tỷ lệ %. Cụ thể, ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống phải nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu 10%, lần thứ 2 trở đi là 2%. Đối với xe máy, mức thu là 2%. Mức 2% cũng được áp dụng với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ rơ-moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự. Ngoài ra, từ năm 2017, nếu giấy đăng ký hoặc biển số bị mất, chủ phương tiện sẽ được cấp lại với mức thu mới là 100.000 đồng.

Theo TS Phạm Sanh, với những chính sách giao thông này có thể chia thành 2 nhóm. Nhóm đầu tiên là tăng cường xử phạt đảm bảo trật tự an toàn giao thông như xử phạt người điều khiển xe máy không chính chủ. Nhóm thứ 2 là để giải quyết kẹt xe đô thị. Phân tích những tác động của các chính sách này, TS Phạm Sanh cho biết:

"Nhóm chúng ta tăng cường xử phạt để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Chúng ta có luật giao thông lâu rồi, Nghị định xử phạt giao thông lâu rồi nhưng mà cái mức xử phạt, khung xử phạt hay là các hành vi xử phạt bị thiếu. Cho nên đợt này thì Nhà nước bổ sung. Và như vậy chúng ta sẽ tăng cường. Khi mà mức xử phạt tăng lên rồi với các hành vi vi phạm tăng lên, thực tế hơn thì chúng ta sẽ giảm bớt được tai nạn giao thông, lập lại trật tự an toàn giao thông."

Trong khi đó, nhóm giải pháp thứ 2 như thu lệ phí trước bạ 10% đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống để giải quyết bài toán kẹt xe đô thị thường sẽ tăng thuế, phí. Việc này sẽ khiến người dân cân nhắc kỹ hơn trước khi muốn sở hữu thêm một phương tiện giao thông. Theo TS Phạm Sanh, nhóm giải pháp này liên quan đến chính sách, ngân sách và chính túi tiền của người dân.

Xét về tính khả thi của những chính sách về giao thông này, Luật sư Minh Trường, Giám đốc Công ty Luật Minh Khuê cho biết, cần phải có thời gian để nhận được sự phản hồi từ chính người dân. Tuy nhiên, việc đưa ra các chính sách về giao thông như việc xử phạt xe không chính chủ đã mềm dẻo và tạo điều kiện cho người dân hơn. Luật sư Minh Trường bày tỏ quan điểm:

"Trước kia ta đưa ra quy định không đi xe chính chủ thì sẽ bị phạt, tuy nhiên sau đó bị dư luận phản đối một cách gay gắt thì được đổi rằng, nếu không đi xe chính chủ thì chỉ là các yếu tố xử phạt khi mà a có một lỗi khác thì mới truy cứu đến việc có đi xe chính chủ hay không. Như vậy, cách thức xử lý đã mềm dẻo hơn và cũng tạo điều kiện cho người dân. Và rõ ràng đây cũng là chuyển biến trong quản lý của cơ quan Nhà nước. Còn triển khai được hay không còn phải chờ phản ứng của người dân."

Tuy nhiên, theo TS Phạm Sanh, quá trình thực hiện những chính sách mới sẽ vấp phải một vài những bất cập vốn đã tồn tại từ trước. Cụ thể, Luật cũng đã đưa ra nhiều quy định về giao thông song vẫn chưa được thực hiện nghiêm do lực lượng mỏng, hoặc thiếu những công cụ, phương tiện hiện đại để giám sát nên dẫn đến việc xử lý còn thiếu công bằng, thiếu chính xác và chưa đầy đủ, thậm chí dẫn đến tiêu cực. Do đó, khi xử phạt cần tính thống nhất:

"Do vậy, khi xử phạt chúng ta cần có cách tính thống nhất, tính kiên trì và công bằng, tăng cường lực lượng, tăng cường nhóm giải pháp, nhóm về công nghệ. Tăng cường những giải pháp mềm để chúng ta phạt để nhanh nhạy hơn và nhanh hơn và nghiêm nh hơn. Đó cũng là những tồn tại trước đây và phải tăng cường những cái đó."

Bên cạnh đó, khi thực hiện những chính sách giao thông mới này có thể sẽ tác động tới một số đối tượng, chính sách khác. Do đó, với những quy định, Nghị định nếu chưa rõ ràng hay chưa quy định chi tiết, không phù hợp với mức xử phạt thì cần có điều chỉnh kịp thời, nhằm tạo sự đồng thuận của người dân hơn nữa. Song song với đó, theo TS Phạm Sanh, cần phải tuyên truyền các Nghị định, quy định này tới người dân một cách rộng rãi, chi tiết và chính xác hơn nữa.