Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá

Ngày 31/5 hằng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác toàn cầu kỷ niệm Ngày Thế giới không thuốc lá, nhằm góp phần nâng cao nhận thức về tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, khuyến khích nói không với thuốc lá.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử gia tăng trở lại, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan chức năng. PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên, Quản lý Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.   

PV: Bà có thể chia sẻ về chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay?

ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên: Năm nay, chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá được Tổ chức Y tế thế giới phát động là: “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”, kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá với sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực, dinh dưỡng,…

Đồng thời, khuyến khích người nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng những cây trồng phù hợp hơn. Chủ đề này cũng đề cập mối liên hệ thuốc lá với đói nghèo, thông qua đó kêu gọi người hút thuốc bỏ thuốc lá để dành tiền chi cho những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm hay sản phẩm dinh dưỡng.

Hãy nói không với thuốc lá để tự bảo vệ bản thân và gia đình. Ảnh: congnghiepmoitruong.vn

PV: Tại Việt Nam, những nỗ lực giảm sử dụng thuốc lá gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá vỡ khi tỷ lệ thanh, thiếu niên hút thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng, với khoảng 3,5% ở nhóm tuổi 13-15 và 7,3% ở nhóm tuổi 15-24. Việc cấm thuốc lá điện tử liệu có cần thiết và khả thi, thưa bà?

ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên: Các sản phẩm thuốc lá mới đều chứa nicotine - một chất gây nghiện cao có ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển não bộ của trẻ. Sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được chứng nh gây ra những bệnh cấp và mạn tính nguy hiểm như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp,…

Và nghiêm trọng hơn so với thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử còn gây ra các trường hợp tổn thương cấp tính dẫn tới tử vong do hội chứng tổn thương phổi cấp EVALI, hoặc ngộ độc do sử dụng dung dịch thuốc lá điện tử; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội do sử dụng kết hợp ma túy và các chất kích thích, gây nghiện khác.

Do ở Việt Nam, quy mô thị trường và tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử còn thấp, nên việc ngăn chặn sử dụng các sản phẩm này ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới về việc không nên cho phép lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử.

Hiện trên thế giới đã có ít nhất 34 quốc gia ban hành quy định cấm đối với thuốc lá điện tử, và 19 quốc gia kiểm soát thuốc lá điện tử như dược phẩm, bán hàng theo kê đơn. Nhiều quốc gia thực hiện cấm một phần như cấm dung dịch điện tử có hương vị, hay cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, cấm bán sản phẩm thuốc lá điện tử cho thanh thiếu niên.

Một số quốc gia khác, sau thời gian cho phép lưu hành thì cũng phải thắt chặt hơn những quy định kiểm soát vì tỷ lệ hút thuốc tăng đột biến trong thời gian ngắn, đặc biệt trong thanh thiếu niên và giới trẻ.

PV: Xin cảm ơn bà!

Về đề xuất cấm thuốc lá điện tử ở Việt Nam, PV VOV Giao thông đã nhiều lần liên hệ với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế, nhưng cơ quan này từ chối trả lời.

Nói về những giải pháp bảo vệ thế hệ trẻ khỏi sự bủa vây của thuốc lá thế hệ mới, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông thì việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện hành lang pháp lý:

"Chúng ta mới chỉ có hệ thống pháp luật quy định về thuốc lá thông thường thôi, chứ chưa có quy định về thuốc lá thế hệ mới, cho nên chúng ta chưa quản lý được cũng như những chế tài xử lý về thuốc lá điện tử. Việc rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý thuốc lá điện tử thì chúng ta cần phải làm sớm. Nó liên quan việc chúng ta phải rà soát và sửa đổi hàng loạt luật, đây là việc làm rất cần sự thận trọng nhưng cũng cần làm ngay, chứ không thể chần chừ mãi được"./.