Chống lãng phí từ các buổi lễ “long trọng”

Khi nói đến chuyện chống lãng phí, chúng ta hay tìm những ví dụ lớn. Tuy nhiên, sự lãng phí thường bắt đầu bởi thói quen, từ những chuyện nhỏ.

Ảnh nh họa: ChatGPT

Những ngày tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi to lớn về mặt cơ cấu tổ chức của rất nhiều cơ quan Trung ương với một cuộc sắp xếp tôi có thể nói là vĩ đại, khi nhiều cơ quan, tổ chức sẽ có nhiều cuộc sáp nhập. Để thực hiện công việc đó, sẽ nhiều cơ quan mới ra đời, sẽ có nhiều cán bộ được điều chuyển.

Một số ước tính cho thấy, sẽ có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn cơ quan cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện có sự thay đổi cơ cấu tổ chức, kèm theo hàng vạn cán bộ được bổ nhiệm mới, hàng nghìn cơ quan được thành lập mới.

Ở đây tôi muốn nói đến một chuyện, mục tiêu của “cuộc cách mạng” này đó là việc tinh giản, tiết kiệm chi phí. Như lời Tổng bí thư Tô Lâm đã nói nhiều lần đó là lãng phí thậm chí còn tạo ra những tác hại lớn hơn cả tham nhũng, đó là lý do tại sao Đảng ta, nhà nước ta đã có chủ trương coi việc chống lãng phí cũng quan trọng như chống tham nhũng.

Trong cuộc sắp xếp, tinh giản này, tôi nghĩ có một vấn đề mà có lẽ là nếu như chúng ta làm tốt sẽ tạo ra một tiền lệ tốt cho rất là nhiều thứ về sau. Ở đây tôi muốn nói đến những buổi lễ mà cá nhân tôi nghĩ là không cần thiết bởi nó tương đối xa hoa và lãng phí, đó là những buổi lễ thành lập các cơ quan mới, hoặc buổi lễ giao nhiệm vụ mới.

Ảnh nh họa: ChatGPT

Thời gian qua, những buổi lễ như vậy, với hình ảnh một cán bộ đứng trước phông nền có cờ hoa rực rỡ và cầm trên tay tờ quyết định bổ nhiệm đã không còn xa lạ. Trước hết, phải nói rằng, đó không phải là những nghi lễ được quy định về mặt pháp luật và không nằm trong danh sách các nghi lễ chính thức.

Thứ hai, những nghi lễ như vậy không chỉ tiêu tốn chi phí những có thể nhìn thấy được như để mua hoa, trang trí phòng họp, đến những cuộc liên hoan… mà nó còn tiêu tốn chi phí, ngân sách để trả để trả lương cho những người tham dự, nếu nhân lên hàng nghìn, hàng vạn thì đó là một khoản lãng phí vô cùng to lớn.

Cá nhân tôi nghĩ, có lẽ các cơ quan (đặc biệt là những cơ quan có tính chất gương mẫu) không nên tổ chức nghi lễ xa hoa, phô trương như vậy cho các cán bộ được bổ nhiệm. Nên coi đó là một trong những việc đầu tiên của công tác chống lãng phí.

Mặc dù điều này không nằm trong các quy định, văn bản chính thức nhưng đó là một thói quen gây lãng phí, đi ngược lại với cuộc cách mạng về tinh giản, tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay.

Các cán bộ khi nhận công việc mới, đó chỉ đơn giảm là một hoạt động phân công công việc, mà không cần, không nên tổ chức một buổi lễ để trao quyết định tiếp nhận công việc, nhiệm vụ được tổ chức giao phó.

Đây là việc mà chúng ta hoàn toàn có thể làm và nên đặt ra trong cuộc chiến chống lãng phí ở mọi lúc mọi nơi hiện nay, như lời kêu gọi của đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm.