Cho trẻ đi học sau Tết: Phụ huynh nơi mong đợi, nơi còn băn khoăn

Mặc dù thời gian qua, một số địa phương của Hà Nội và TP.HCM đã cho học sinh trở lại trường, nhưng với sự thay đổi cấp độ dịch bệnh theo từng tuần, việc đi học cũng rất phập phù, gây khó khăn bị động cho cả nhà trường và học sinh.

Trước kế hoạch đón trẻ đến trường sau Tết Nguyên đán, trong khi phụ huynh ở TPHCM rất mong chờ, thì tại Hà Nội, nhiều cha mẹ và cả các em học sinh lại có phần dè dặt. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Xem xét cho học sinh từ 12 tuổi trở lên có thể đi học trực tiếp tại trường sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Báo Đầu tư

Theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ cho học sinh từ khối 7 đến 12 đi học trở lại 100% ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã.

Khi biết thông tin này, em Nguyễn Lan Chi, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ không khỏi lo lắng, bởi chỉ còn ít tháng nữa em sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp, nếu nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng tới cả quá trình nỗ lực vừa qua: "Theo cháu sau tết nên tiếp tục học online, tại vì tết mọi người đều đi chơi, tình trạng lây nhiễm sẽ gia tăng. Cháu thấy cách học 50/50 chia chẵn lẻ như hiện nay không hiệu quả, thà học online ở nhà luôn, nhỡ đi học lại bị lây nhiễm".

Băn khoăn, lo lắng của học sinh cũng là tâm tư của nhiều phụ huynh có con đang chuẩn bị thi chuyển cấp trong thời gian tới:

- "Tôi có hai con, một cháu đang học lớp 12, một cháu học lớp 9 đều cuối cấp. Tình hình dịch như thế này nếu để các con đi học thì cũng chưa yên tâm lắm, vì sắp đến kỳ thi rồi, nếu chẳng may con bị nhiễm bệnh thì sẽ ảnh hưởng tới cả quá trình học của các con".

- "Thời điểm này mỗi ngày mấy nghìn ca mà lại quyết định cho các con đi học thực sự phụ huynh chưa thấy yên tâm. Khi nào thực sự an toàn thì hẵng đi học, bởi vì đi như thế này rất phập phù".

Theo thầy Cao Danh Hiến, giáo viên Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, việc sớm cho các con đến trường là cần thiết, bởi lẽ độ tuổi từ 12 trở lên hầu hết đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin; đồng thời giáo dục rất cần sự ổn định, cách học như hiện nay rất phập phù, khó cho cả thầy lẫn trò: "Quan điểm trở lại bình thường thì việc đầu tiên là học sinh phải được đến trường, công nhân phải được đi làm.

Các cháu phải đề cao phòng dịch để làm sao an toàn, chứ còn học theo kiểu như bây giờ của Hà Nội tôi thấy nó cũng rất bất ổn, không hiệu quả. Ở khối 12 bây giờ đang học, chia ra một nửa đi học ngày chẵn, một nửa đi học ngày lẻ, tuần sau lại tráo lại.

Thế nhưng giữa học trực tiếp và online rất bất cập. Quan điểm của tôi là giáo dục phải có tính ổn định, cho nên nếu các cháu quay trở lại trường học thì phải có giải pháp làm sao ổn định".

Trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 tại TP.HCM sẽ đến trường học trực tiếp từ 14/2. Ảnh: Thanh niên

Nhiều phụ huynh, giáo viên tại TP. HCM bày tỏ sự đồng tình với kế hoạch cho học sinh tới trường sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với cấp học từ mầm non đến tiểu học, phụ huynh vẫn còn e ngại vì các con chưa được tiếp cận vaccine.

"Hai bé nhà mình môt bé ở độ tuổi cấp 1, một bé ở độ tuổi cấp hai lớp 9. Bé lớp 9 đã được tiêm 2 mũi, thời gian đến trường vừa rồi cũng đã được một tháng mình cảm thấy rất yên tâm. Vì ưu thế ở TP. HCM là độ phủ vắc xin mũi 2, mũi 3 tương đối cao; đồng thời tỉ lệ nhiễm mới giảm rất nhiều, đấy cũng là điểm cộng mà phụ huynh tin tưởng và hy vọng".

"Mở cửa lại cho tất cả các cấp đi học đã có thí điểm từng bước, tình hình nói chung cũng ổn, các em có nhiễm nhưng số lượng rất ít, trẻ nhỏ mắc covid triệu trứng rất nhẹ. Nên học kỳ hai việc đến trường là cần thiết, phụ huynh cũng đừng quá hoang mang. Tôi giảng dạy trên lớp thì thấy kiến thức của các em bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt các em tiểu học ở nhà nhiều quá bị hổng kiến thức và không giao tiếp được".

PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, hiện nay trẻ từ 12 tuổi trở lên đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, vì thế kế hoạch đưa trẻ đến trường sau tết là hoàn toàn phù hợp: "Nếu không cho học sinh đi học thì sẽ mắc các bệnh không lây nhiễm như trầm cảm, béo phì, nghiện game, thiếu hụt kiến thức và còn nhiều bệnh khác. Hiện nay, chúng ta đi vào kiểm soát nguy cơ, kiểm soát rủi ro, có F0 ở lớp nào thì tiến hành giải quyết ở lớp đó, không liên quan dịch tễ đến lớp khác thì lớp khác vẫn đi học". 

Để tránh tình trạng “phập phù” như hiện nay khiến cả học sinh và nhà trường xáo trộn, có ý kiến cho rằng cần phải điều chỉnh lại các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, thay vì đánh giá theo từng tuần thì nên đánh giá cấp độ dịch theo tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong và khả năng, năng lực đáp ứng của ngành y tế.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Trần Đắc Phu việc đánh giá cần thực hiện từ đơn vị nhỏ nhất, từ cấp xã phường, tránh tình trạng quy nạp không chính xác và đánh giá từ nguy cơ, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó.