Cho phép chuyển đổi đất làm nhà ở thương mại: Lo ngại thất thoát lớn

Sáng nay (10/1), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Một trong những sửa đổi nhận được nhiều ý kiến liên quan là đề xuất của Chính phủ sửa đổi quy định về chuyển đổi đất đai.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị sửa theo hướng, ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác để xây dự án nhà ở thương mại.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản. Ảnh: Người đưa tin

Trong nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, Chính phủ đề nghị sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều 75 (tương ứng sửa đổi khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại theo quy định của các luật.  

Cho rằng việc sửa đổi sẽ tạo ra kẽ hở cho doanh nghiệp thâu tóm đất đai và việc không qua đấu giá sẽ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành cho biết: "Việc sửa đổi này, hậu quả có thể gây ra tình trạng thất thoát vì khi được công nhận chủ đầu tư và được thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì theo luật đất đai chỉ cần trả tiền theo quy định của luật hiện nay là lấy giá đất theo bảng giá nhân với hệ số K.

Tôi lấy ví dụ Hà Nội hiện nay hệ số K cao nhất là 2,15 bảng giá đất cao nhất là 168. Như vậy dù có chuyển đổi đất ở giữa Bờ Hồ hay ở TPHCM, trên trục đường Nguyễn Huệ cũng chỉ phải trả tiền đất 312 triệu/m2. Như vậy ở đây tạo sự thất thoát lớn về nguồn lực cho nhà nước".

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung này thực chất là mở rộng quyền cho người sử dụng đất hợp pháp, giải quyết nhanh việc công nhận chủ đầu tư nhưng hậu quả có thể gây ra thất thoát. Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội bày tỏ băn khoăn: "Tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, đặc biệt là phải có hướng xử lý cho bằng được vấn đề chênh lệch địa tô trong luật đất đai và các văn bản khác có liên quan để trình Quốc hội sửa đổi đồng bộ các quy định để vừa sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập,vừa đảm bảo khai thác phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai cho đất nước, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như người có đất chuyển nhượng".

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hữu Hậu, đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, việc sửa đổi sẽ tháo gỡ được những nút thắt hiện nay trong quá trình phát triển nhà ở thương mại: "Quy định hiện hành còn tạo ra vấn đề con gà và quả trứng gây trì trệ cho phát triển nhà ở thương mại. Theo tôi, sửa như dự thảo là hợp lý hợp tình và hợp thực tiễn. Nó sẽ tháo gỡ được những nút thắt hiện nay trong quá trình phát triển nhà ở thương mại. Nhà nước và xã hội sẽ thu được nhiều giá trị. Giá trị ấy lớn hơn nhiều so với chênh lệch địa tô và các đại biểu lo lắng".

Giải trình tại phiên họp về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phương án sửa đổi cho phép các nhà đầu tư có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch. Theo đó, việc thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và không qua đấu giá, đấu thầu.

Để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, tránh lợi dụng chính sách để chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: "Nội dung đề xuất sửa đổi của Chính phủ đã quy định loại trừ tất cả các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định, bao gồm cả thu hồi đất để đấu giá đấu thầu theo quy định của Luật Đất đai hay là bán tài sản công theo Luật tài sản công. Thứ hai là bổ sung quy định khi chuyển mục đích sử dụng đất thì phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thứ ba là phải xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng, phải theo sát giá thị trường và theo đúng quy định của Luật Đất đai".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tiếp tục rà soát chặt các quy định chuyển mục đích sử dụng đất; xây dựng đề án thí điểm riêng để áp dụng hình thức sử dụng đất khác mà không phải là đất ở để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5/2022.

Thông tin trong nước và quốc tế

# Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa đề nghị Bộ Công Thương, trong năm 2022, cần tập trung tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. 

Sản xuất linh kiện điện tử chất lượng cao tại Công ty Cổ phần Manutronic Việt Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

# Và trong năm nay, Bộ Công thương sẽ có các chương trình kết nối với các doanh FDI để sản xuất linh-phụ kiện trong nước. 

# Theo khảo sát của NHNN, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 2,6% trong quý 1 năm nay. 

# Còn ngành dệt may phấn đấu tăng trưởng chung trên 8% trong năm 2022 và nhập bình quân người lao động là hơn 8,3 triệu đồng/tháng. 

# Các tổ chức quốc tế dự báo, đơn giá sản xuất thủy sản nuôi trồng của VN sẽ tiếp tục tăng trưởng 15% từ năm 2021 đến năm 2030. 

# Đáng chú ý, từ sáng nay, phía Trung Quốc đã thông quan trở lại hoàn toàn các cửa khẩu tại Quảng Ninh (sau thời gian tạm dừng vì dịch bệnh). 

# Dự báo năm 2022, triển vọng thị trường bất động sản tại TPHCM sẽ rất khả quan với khoảng 25.000-30.000 căn được mở bán mới.

# Còn với thị trường vàng, giá vàng phiên đầu tuần điều chỉnh giảm nhẹ và giao dịch ở mức 61,7 triệu đồng/lượng. 

# Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể nâng lãi suất sớm nhất từ tháng 3/2022, tùy thuộc vào diễn biến của lạm phát. 

# Đáng chú ý, khu vực Eurozone ghi nhận mức lạm phát 5% trong tháng cuối cùng của năm 2021, mức cao kỷ lục trong 25 năm qua.

# Theo khảo sát của Reuters, đồng USD sẽ mở rộng sự thống trị trên thị trường tiền tệ năm 2022. 

Ảnh nh họa

Thông tin chứng khoán

# Trong phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index bất ngờ xuất hiện rung lắc mạnh khi giảm hơn 24 điểm, còn mức 1,503.71 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế ở nhóm VN30 với 24 mã giảm, nhất là các cổ phiếu: POW, GAS, KDH và SSI. Ở chiều ngược lại, VRE, PDR, CTG, VIC tăng nhẹ trên mức tham chiếu.

# Đáng chú ý, từ khoảng hơn 14 giờ chiều nay, sàn HoSE có dấu hiệu nghẽn lệnh, không trả lệnh trên bảng điện tử. Thời điểm HoSE bị cho là gặp lỗi, cũng là lúc thị trường đang điều chỉnh mạnh với khoảng 300 cổ phiếu giảm giá.

Nói về sự cố này, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó TGĐ CTCK Kiến thiết Việt Nam cho biết: "Về cuối phiên,lực xả lớn, thanh khoản tăng cao, nhiều khả năng số lượng lệnh tăng đột biến vào một thời điểm dẫn đến sự hiển thị trên bảng giá của nhiều CTCK không phản ánh đúng thực tế giao dịch trên HOSE. Theo tôi, nhiều khả năng do đột biến giao dịch dẫn đến sai lệnh chứ không phải là do lỗi hệ thống của sở giao dịch ban đầu".

Theo SSI Reseach, khối lượng giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận cũng tăng cao khi đạt gần 1.4 tỷ cổ phiếu với giá trị giao dịch trên 41,800 tỷ đồng.