Chính thức bỏ quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên

Kể từ 20/3 tới, giáo viên mầm non, phổ thông công lập sẽ không còn phải lo lắng về việc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Đây là nội dung được đề cập trong chùm Thông tư được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 2/2/2021, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông công lập. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Chính thức bỏ quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên. (Ảnh nh họa: Tiền Phong)

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

PV: Theo ông, việc Bộ GD&ĐT quyết định xoá bỏ chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ có ý nghĩa như thế nào?

TS. Nguyễn Viết Chức: Những quy định ấy không sát thực, thậm chí nó gây ra những hiện tượng không tốt cho ngành giáo dục. Chưa nói chuyện bằng rởm, bằng giả dẫn tới việc những trung tâm đào tạo chỉ để thu tiền, cấp chứng chỉ không có chất lượng thật thì rất nguy hiểm.

Như thế giáo dục lại hoá ra là phản giáo dục.

Yêu cầu về trình độ tin học cũng như ngoại ngữ đối với mọi công dân Việt Nam là một yêu cầu rất xác đáng. Tuy nhiên, nó phải dực trên nhu cầu thật sự, có năng lực để đáp ứng được điều đó chứ không phải là làm để đối phó. Nếu làm để đối phó thì không có ý nghĩa gì cả.

PV: Trình độ ngoại ngữ, tin học được cho là những yếu tố cần thiết trong thời đại hiện nay, vậy theo ông, Bộ GD&ĐT cần có những phương án gì để giúp giáo viên đáp ứng được nhu cầu giảng dạy?

TS Nguyễn Viết Chức: Các trường sư phạm bây giờ người ta cũng có yêu cầu rất rõ, không có trình độ, không có tín chỉ về ngoại ngữ, tin học thì không tốt nghiệp. 

Như vậy, bằng tốt nghiệp của các trường sư phạm, các trường đại học, cao đẳng nói chung là những bằng tốt nghiệp có tính quốc gia. Phải siết chặt, phải có thi cử, kiểm tra rất nghiêm ngặt để đảm bảo có trình độ tin học và ngoại ngữ thực sự, đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, cách mạng, để đáp ứng điều kiện của công dân toàn cầu, phát triển nền kinh tế kinh tế tri thức.

Quy định này là để đảm bảo tính thiết thực, tính khả thi của ngoại ngữ, tin học chứ không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu trình độ ngoại ngữ, tin học, đối với tất cả các ngành chứ không riêng gì ngành giáo viên, ngành giáo dục.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: