Chiết khấu 0 đồng, ĐBSCL tái diễn tình trạng khan hiếm xăng dầu

Hiện nay, ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu 2022 nhưng nông dân như “ngồi trên đống lửa” vì không tìm được máy gặt trong khi lúa chín gục, năng suất hao hụt từng ngày trên đồng.

Theo lý giải từ chủ máy gặt lúa thì họ không tìm được nguồn xăng dầu để vận hành máy. Các cửa hàng nhiên liệu không bán mang về, chỉ đổ nhỏ giọt đủ cho nhu cầu chạy xe và ghe tàu…

Các đơn vị cung ứng xăng, dầu tại Bạc Liêu đều khẳng định có đủ nguồn hàng để đáp ứng cho nhu cầu dịp lễ lớn.

Canh tác 4 hecta đất ruộng, vụ Hè Thu này lúa phải chín gục ngoài đồng gần 7 ngày, anh Võ Sơn Đổi ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu mới tìm được máy cắt. Cắt lúa xong phải đợi thêm 3 ngày nữa mới có thương lái đến thu mua.

Tình cảnh này xuất phát chung do thiếu nguồn nhiên liệu, máy cắt không thể vận hành hết công suất và thương lái cũng thiếu xăng, dầu để chạy ghe mua lúa. 

Tuy lúa của anh Sơn Đổi đã bán được, nhưng đất thì không thể cải tạo, cày xới bởi cứ xách can đi mua dầu thì lại trở về tay không.

Máy cày đất nằm trơ khô, tất cả đại lý xăng dầu trên địa bàn huyện Hòa Bình đều rơi vào cảnh phải treo bảng “hết xăng”; “hết dầu”; nếu bán thì chỉ bán số lượng ít đủ phục vụ nhu cầu đi lại tại chỗ, không bán mang về số lượng nhiều. Thậm chí nhiều cửa hàng tư nhân đã đóng cửa. Anh Võ Sơn Đổi – ngụ tại ấp 19, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết:

“Xăng thì có mà dầu thì không có, mới hồi sáng này anh gọi điện chia một can dầu về đổ vào máy xới đất nhưng họ nói không có, họ đang dành số dầu này ưu tiên cho máy cắt lúa, nhưng mà cũng không đủ đâu vào đâu. Trung bình 1 ngày 2 máy cắt sẽ chạy tiêu hao 8 can dầu nhưng họ chỉ đưa xuống 5 can dầu thôi. Máy chạy hết dầu là ngưng, chính vì thế cái máy nó đâu hoạt động hết công suất, dẫn đến lúa đã chín 10 -15 ngày mà vẫn chưa thu hoạch được”.

Toàn ấp 19, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu hiện có 600 hecta lúa trong thời kì thu hoạch nhưng mới cắt được khoảng 250 hecta. 10 ngày qua chất lượng lúa của nông dân đã bị ảnh hưởng trực tiếp nặng nề. Trong thời gian mưa dầm, số lúa ngã gục.

Trong thời gian nắng gắt, qua một đêm lúa giảm năng suất. Trung bình lứa lúa cắt ra đạt 55kg/bao nhưng khi neo qua nhiều ngày lúa chín khô chỉ còn 50kg/bao. 

Chiết khấu 0 đồng là rào cản khiến các địa lý nản lòng khi liên tục phải bán lỗ.

Tương tự, Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Nghị, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đang rơi vào thế bí bách khi từ đầu đã kí hợp đồng với máy cắt ở vùng khác đến hỗ trợ hội viên thu hoạch lúa. Nhưng đến nay, số lúa được thu hoạch chưa được là bao, chủ máy cắt chở can chạy từ huyện Hòa Bình đến TP Bạc Liêu tìm mua mà vẫn chưa đong đủ số dầu phục phụ cho máy chạy.

Ông Nguyễn Văn Phương – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Nghị, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Họ bán nhỏ giọt thôi, bán số lượng nhiều thì không bán. Mới đầu mình mua cây xăng tư nhân, giờ cây xăng tư nhân đóng cửa hết mới ùn ùn kéo ra cây xăng nhà nước mà giờ xách can ra họ cũng không bán luôn, họ nói hết rồi”.

Trước sự khan hiếm nhiên liệu một cách đột ngột và ngay vào lúc chính vụ thu hoạch lúa đã khiến nông dân Bạc Liêu đồng loạt phản ánh và nghi ngờ có dấu hiệu ghim hàng, không bán xăng, dầu cho bà con phục vụ thu hoạch lúa.

Ngày 31/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều đã ký công văn chỉ đạo cơ quan chức năng thành lập các tổ công tác để kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh ngay tình trạng này nếu có.

Theo lý giải của Petro Mekong Bạc Liêu – một trong những đơn vị cung ứng xăng dầu lớn tại Bạc Liêu thì thì sản lượng tiêu thụ xăng dầu đã tăng đột biến trong tháng 8. Bình quân mỗi tháng Petromekong cung cấp cho khách hàng 1.100 mét khối nhưng đến thời điểm ngày 30/8 đã ghi nhận 1.486 mét khối, vượt gần 40%.

Đại diện Petromekong Bạc Liêu cho biết, hoa hồng thấp chính là lý do khiến đại lý nản lòng, nên đợi bán ra hết hàng với nhập hàng về để bán tiếp. Trên thực tế, muốn nhận được hàng phải báo trước 1 – 2 ngày để đơn vị cung ứng sắp xếp nguồn hàng. Chính vì thế, có nhiều đại lý phải treo bảng “đang nhập hàng” và tạm ngưng bán trong 1 buổi hoặc một ngày để chờ nhận hàng.

Kiên Giang thông báo nguồn xăng, dầu chỉ đủ để cung ứng cho 3 đến 5 ngày tới và cần có giải pháp điều chỉnh giá sớm nhất

Trong sáng ngày 31/8, Petromekong Bạc Liêu đã nhập một tàu 360 khối gồm xăng E5 và xăng RON 95 để phục vụ cho nhu cầu lễ 2/9. Nguồn cung hiện tại xăng RON95 180 khối, E5 180 khối, dầu còn 96 khối đảm bảo nguồn cung 100% cho đại lý căn cứ theo sản lượng bình quân 3 tháng liền kề. Như vậy, đơn vị cung ứng khẳng định là có đủ nhiên liệu để phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân trong khoảng thời gian nhất định, không để đứt gãy.

Nhưng về phía đại lý bán lẻ thì cho rằng thời điểm này phải bán lỗ nên chỉ có 2 lựa chọn là đệ đơn xin tạm đóng cửa hoặc bán số lượng ít để “cầm hơi” chờ chính sách hoa hồng thay đổi. Anh Lý Quốc Khôi – chủ đại lý bán lẻ xăng dầu Quân Khánh tại Bạc Liêu cho biết: “Lấy giá bao nhiêu, về bán ra giá y như vậy, chiết khấu 0 đồng, lỗ tiền chi phí vận chuyển, lỗ tiền điện và tiền nhân công. Hiện giờ mỗi ngày chỉ bán vài trăm lít, mình bán mà chính mình cũng bức xúc, người ta xách can lên đây mua, mình không có, rồi chứng kiến người ta tiếp tục chạy ra TP Bạc Liêu kiếm mua… mà thật tình mình không có một lít nào để bán hết, bởi vì nhập hàng vào là bán lỗ thì sao mà dám nhập”.

Căn cứ theo Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 sửa đổi bổ sung về kinh doanh xăng dầu, đối với trường hợp cửa hàng kinh doanh xăng dầu muốn tạm ngưng hoạt động phải có văn bản đồng ý của Sở Công Thương, với lí do chính đáng như: Cháy nổ, lũ lụt, thiên tai… trong trường hợp đóng cửa vì bán không có lời, treo bảng hết xăng… Tổng cục Quản lí Thị Trường khẳng định là chưa đúng với quy định. 

Tình hình khan hiếm nguồn nhiên liệu xăng, dầu tại ĐBSCL đang ở diện rộng. Mới đây nhất, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang vừa có công văn gửi Bộ Công thương về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn và thông báo nguồn hàng chỉ đảm bảo cung ứng trong hệ thống từ 3 - 5 ngày tới. Đặc biệt là dầu DO rất hạn chế, không chỉ vậy mà mức chiết khấu xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ là không đảm bảo cho duy trì hoạt động. 

Ghi nhận tại TP Cần Thơ, hầu hết đều kinh doanh bình thường. Tuy nhiên có một số cửa hàng chỉ bán hàng nhỏ giọt hay chỉ chấp nhận bơm nhiên liệu cho phương tiện, không bán mang về.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu tại TP Cần Thơ khẳng định: Không có quy định cấm bán mang về, nhưng hiện nay dầu DO là mặt hàng đang khan hiếm trên thị trường cho nên phải chia đều nhu cầu sử dụng đến khi mặt hàng này ổn định trở lại.

Tại Sóc Trăng, đến ngày 31/8, qua công tác kiểm tra, lực lượng Quản lí Thị Trường tỉnh Sóc Trăng ghi nhận có tình trạng các cửa hàng bán xăng dầu mở cửa hoạt động bình thường, nhưng lại rơi vào trường hợp có nơi hết xăng còn dầu, có cửa hàng còn dầu nhưng hết xăng…

Trước tình hình này, các địa phương đã gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo về việc điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ , tết, không làm tăng độ trễ của thị trường trong lúc đang biến động. Có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong giá cơ sở từ thương nhân đầu mối, hệ thống phân phối đến hệ thống bán lẻ.

Từ đó, góp phần ổn định nguồn cung cho hệ thống phân phối của các thương nhân trong thời gian tới, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ thương nhân đầu mối đến hệ thống bán lẻ, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân.