Chỉ thị tùy hứng, cơ quan kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở đâu?

Thông báo, công điện, chỉ thị là những hình thức văn bản áp dụng pháp luật, văn bản thi hành; chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật.

Ảnh nh họa: Hải Bằng

Kể từ ngày 01/7/2016, Chỉ thị của UBND tỉnh không còn được coi là loại văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh, thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành các chỉ thị, công điện, văn bản điều hành bao hàm nhiều nội dung cấm đoán, cách hiểu và vận dụng không thống nhất, đã gây ra những tranh cãi không đáng có.

Vậy, vai trò của các cơ quan kiểm soát quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến đâu? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp về nội dung này:

 

PV: Thưa ông, ở một số địa phương xuất hiện tình trạng ban hành và coi Chỉ thị như văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến cách hiểu và vận dụng thiếu thống nhất. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Hồng Sơn: Hiện tượng địa phương đưa ra thông báo, công điện, chỉ thị thì đấy là những hình thức văn bản áp dụng pháp luật, văn bản thi hành chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật.

Chính quyền địa phương ban hành văn bản gì cũng phải căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mà trong một số thông báo, chỉ thị như thế lại có chứa những quy định cho phép người dân làm hoặc buộc người dân phải làm.

Đặc biệt, bắt người dân đến xã, phường để xin giấy đi đường tạo ra những điểm tập trung đông người, là tạo ra những khó khăn cho người dân khi thực hiện các hoạt động sản xuất, lao động... 

PV: Theo ông, cần có quy định cụ thể như thế nào để không dẫn đến tình trạng áp dụng thiếu thống nhất?

Ông Lê Hồng Sơn: Vấn đề này phải có một sự xem xét thật kỹ, nhưng phải rất khẩn trương.

Trong điều kiện như thế thì các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát ở các cấp gần như không đáp ứng được yêu cầu. Người ta vào cuộc không kịp thời để phát hiện ra những nội dung không bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý; cũng như đưa ra các khuyến nghị để giải quyết tình huống một cách mau lẹ, khẩn trương theo yêu cầu chống dịch.

Rõ ràng cơ quan kiểm tra, giám sát phải vào cuộc, phải xem xét tính hợp háp hợp lý của văn bản này. Nếu cần phải hủy, phải bãi bỏ văn bản này, không thể để tình trạng các cơ quan, chính quyền các cấp buông nhiệm vụ, buông vũ khí của mình, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của người dân trong điều kiện phòng chống dịch. 

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!