Chém gió thị thành

“Chém gió” công sở giữa giờ làm một chút thì vui, nhưng nếu quá đà, có thể gây lãng phí thời gian và là một trong những mầm mống gây ra sự thiếu đoàn kết. Vì thế, “chém gió” cũng cần có điểm dừng và biết kiểm soát, để “gió” vừa đủ mát, đủ vui, chứ đừng “c

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Một nhóm nam thanh nữ tú đang tám chuyện rất sôi nổi về đề tài mà họ quan tâm, đến độ cao hứng quên hết xung quanh. Một anh tập tọng chơi xe muốn thể hiện chút hiểu biết cóp nhặt của mình, thao thao bất tuyệt như đã nghiên cứu đông tây kim cổ. Một viên chức lần đầu đi công tác nước ngoài, hào hứng kể chuyện xứ người, như thể đó là xứ sở thần tiên... 

Những lối nói hăng say có phần thiếu kiểm soát, có xu hướng cường điệu để mua vui hoặc gây sự chú ý, vẫn được thị dân gọi chung là “chém gió”.

Không gian “chém gió” có thể là bất kỳ đâu: quán cafe, trà đá trà chanh, bãi bia quán nhậu, hay bàn nước công sở. Có người thỉnh thoảng cao hứng lên mới “chém gió”, nhưng cũng có người “chém” như một thói quen, một bản năng giao tiếp, như cách để thể hiện sự thông thái của mình.

Không thể phủ nhận, “chém gió” làm cho các cuộc trò chuyện trở nên sôi nổi hơn, đỡ phần trầm lắng tẻ nhạt. “Chém gió” cũng là cách xả stress rất hiệu quả, nếu bạn đã quá mệt mỏi với những sự khắt khe nghiêm ngắn thường xuyên nơi công việc, quá chán với cung cách giao tiếp chuẩn chỉ đãi bôi.

Những người bạn thân lâu ngày không gặp, cố gắng tụ tập một vài giờ, cũng chỉ để được thoả sức “chém gió” mà không lo bị xét nét, săm soi. Chẳng thế mà “chém gió” được coi là một thú vui, rất dễ gây “nghiện”.

Nhưng “chém gió” cũng cần đúng lúc, đúng chỗ, đúng người nếu không muốn mình trở nên kệch cỡm. Khi mọi người xung quanh đang cần  tập trung làm việc, sự thư giãn bằng cách “chém gió” của ai đó sẽ khiến họ cảm thấy bị làm phiền. Trong không gian trang trọng lịch lãm, đừng “chém gió” nếu không muốn bị nhìn như “Xuân Tóc đỏ”.

Và “chém gió” với người không hiểu biết, ban có thể được trầm trồ thán phục vì sự hoạt ngôn cùng cái vẻ biết nhiều. Nhưng nếu gặp đúng người thông thái thực sự, bạn đã tự bóc mẽ sự kém cỏi và kệch cỡm của mình. Thậm chí, nếu bị bắt bẻ vặn vẹo, thì chỉ còn nước.. “độn thổ”.

“Chém gió” công sở giữa giờ làm một chút thì vui, nhưng nếu quá đà, có thể gây lãng phí thời gian và là một trong những mầm mống gây ra sự thiếu đoàn kết.

Vì thế, “chém gió” cũng cần có điểm dừng và biết kiểm soát, để “gió” vừa đủ mát, đủ vui, chứ đừng “chém gió” thành “bão”!

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: