Chặng đường cuối chấm dứt đại dịch AIDS sẽ khó hơn

Sáng nay (1/12), Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động HIV và Ngày phòng chống AIDS thế giới với chủ đề "Chung tay chấm dứt đại dịch AIDS"...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại lễ mít tinh về những khó khăn trong chặng đường cuối chấm dứt đại dịch AIDA

Sự kiện thu hút sự tham gia của khoảng 2.200 đại biểu tập trung tại Quảng trường 3-2, TP Bắc Giang. Trong đó có lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; các Bộ, ngành Trung ương và các cục, vụ, viện liên quan; Các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế 10 tỉnh, thành lân cận Bắc Giang; Đại diện các Câu lạc bộ, nhóm tiếp cận cộng đồng, quần thể có hành vi nguy cơ cao. 

Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS, tệ nạn ma túy mại dâm cho biết, đến nay, trên thế giới có hơn 70 triệu người nhiễm HIV, một nửa trong số đó đã chết. Tại Việt Nam, trường hợp đầu tiên nhiễm HIV vào những năm 1990, đến nay có hơn 315 nghìn người nhiễm HIV, hơn 100 nghìn người trong số đó đã chết.

Sự kiện diễn ra tại Bắc Giang, địa phương đã cấp thẻ BHYT cho 98% người nhiễm HIV

Sau hơn 20 năm, số người nhiễm, người chết do HIV đã giảm dần, sự kỳ thị ở nhiều nơi đã không còn. "Từ chỗ coi những người nhiễm HIV là xấu, thì hiện nay xã hội coi họ như những bệnh nhân bình thường. Từ chỗ coi nhiễm HIV là lĩnh án tử hình, thì nay nếu được phát hiện sớm và điều trị, họ có thể chung sống bình thường, sinh con mà không bị nhiễm HIV", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Để có được thành tựu 11 năm liên tiếp Việt Nam giảm cả ba tiêu chí, gồm: số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lòng biết ơn của Chính phủ Việt Nam tới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Toàn cầu, chương trình Pepfar của Hoa Kỳ..., sự chung tay của các bộ, ban ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là người dân.

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, như bao việc khác, chặng đường cuối cùng bao giờ cũng khó hơn, đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Cần biết, mỗi năm ở Việt Nam vẫn có 10 nghìn người nhiễm HIV mới, trong khi mục tiêu là giảm con số này xuống dưới 1 nghìn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: "Chúng ta không được phép lơ là, nếu chủ quan, đại dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Để đạt mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS, chúng ta cần sự chung tay của chính quyền, cộng đồng, cần hệ thống tài chính bền vững từ nguồn BHYT, đảm bảo quyền riêng tư của người bệnh, phấn đấu 2020 sẽ có 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV".

Ông Eamonn Murphy (ngồi giữa) tin Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên ở Châu Á Thái TBD kết thúc đại dịch AIDS vào 2030.jpg

Trong khi đó, ông Eamonn Murphy, Giám đốc chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV (UNAIDS) bày tỏ sự vui mừng trước những nỗ lực và quyết tâm thực hiện các cam kết về phòng chống HIV của Việt Nam.

"Theo báo cáo mới nhất của UNAIDS, Việt Nam đã giảm 65% số ca mắc mới hàng năm trong vòng một thập kỷ qua. Đây là chỉ số tốt nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên trong khu vực chấm dứt được đại dịch AIDS vào năm 2030 đúng như mục tiêu toàn cầu đã đề ra", ông Eamonn Murphy chia sẻ.

Theo UNAIDS, Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp  dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV.

Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới đang được áp dụng tại Việt nam, điển hình là việc áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới  điều trị thuốc ARV ngay cho người nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4,  cấp thuốc ARV 3 tháng một lần cho những người tuân thủ điều trị tốt; tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và Buprenorphine. 
 

BTC trao tặng quà cho trẻ em bị nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi HIV

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã chi trả điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế, Việt Nam là nước đứng đầu trong các nước được PEPFAR hỗ trợ đạt được tỷ lệ cao nhất về tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (trên 93%).

Được biết, tại lễ mít tinh, ban tổ chức cũng dành thời gian chia sẻ câu chuyện chữa bệnh của đại diện người nhiễm HIV, trao quà tặng cho trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Diễu hành xe máy/ô tô/đi bộ qua các tuyến đường của Thành phố Bắc Giang để tuyên truyền thông điệp của sự kiện./