Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thu phí từ 9/8

Mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thấp hơn từ 4% tới 45% so với đề xuất trước đó

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ chính thức thủ phí kể từ 0h ngày 9/8/2022

Chiều nay, đại diện tập đoàn Đèo Cả và công ty cổ phần BOT Trung Lương Mỹ Thuận cho biết các cơ quan quản lý nhà nước đã chấp thuận phương án thu phí cho tuyến cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận.

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định số 2171/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 về việc quy định giá dịch vụ sử dụng đường bộ và Quyết định số 2172/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 đó UBND tỉnh Tiền Giang ban hành về việc công bố đưa vào khai thác Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT của UBND tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, kể từ 0h00 ngày 09/8/2022, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ chính thức đưa vào vận hành có thu phí. Mức giá vé chính thức sẽ giảm so với mức tối đa quy định tại thông tư số 28/2021/TT-BGTVT. Cụ thể với nhóm 5 giảm hơn 45%, nhóm 4 giảm hơn 43%, nhóm 3 giảm hơn 20%, nhóm 1 giảm 4,76%. Cụ thể, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các nhóm xe như sau:

Mức phí nhóm 1 là 103.000 đồng toàn tuyến, báo gồm ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 2.000 đồng/xe/km (giảm 100 đồng/xe/km so với mức giá đề xuất trước đó, tương đương giảm 4,76%).

Với Ô tô từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn (nhóm 2) giữ nguyên như mức giá đề xuất trước đó là 3.000 đồng/xe/km, tương đương giá vé cho xe đi toàn tuyến là khoảng 154.000 đồng.

Giá vé cho xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn (nhóm 3) giảm xuống còn 3.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó là 3.700 (tương đương giảm 20,45%). Như vậy, xe nhóm 3 đi toàn tuyến có mức giá khoảng 180.000 đồng.

Giá vé cho xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet (nhóm 4) là 4.500 đồng/xe/km, giảm 1.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó (tương đương giảm 43,75%). Như vậy, xe nhóm 4 đi toàn tuyến có mức giá là khoảng gần 232.000 đồng/xe.

Giá vé cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet (nhóm 5) được điều chỉnh giám xuống còn 6.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó là 8.400 đồng/xe/km (tương đương giảm 45,83%). Xe nhóm 5 có mức giá mới khi đi toàn tuyến là gần 335.000 đồng.

Theo công ty cổ phần BOT Trung Lương Mỹ Thuận thì với mức phí này thì thời gian hoàn vốn cho toàn dự án là 14 năm 08 tháng.

Trên tuyến bố trí 4 trạm thu phí gồm: trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, trạm thu phí Cai Lậy, trạm thu phí Cái Bè, trạm thu phí An Thái Trung, tất cả các trạm đều được lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC). Theo quy định của Chính phủ, tất cả các phương tiện khi vào cao tốc phải sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, nếu các chủ phương tiện cố tình vi phạm sẽ bị từ chối phục vụ và cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,5km, với tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2009, nhưng bị đình trệ suốt 10 năm.

Năm 2019, Tập đoàn Đèo Cả được mời quản trị và điều hành Dự án, sau 3 năm triển khai thi công, vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, giá vật liệu tăng phi mã, vận chuyển khó khăn do hạn - mặn, Tập đoàn Đèo Cả đã đưa Dự án về đích đúng hẹn, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, tiến độ, tuân thủ theo hợp đồng BOT đã ký.

Từ ngày 30/4/2022 đến ngày 08/8/2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào vận hành không thu phí, mỗi ngày tuyến đường này phục vụ trung bình khoảng hơn 30.000 xe/ngày đêm.