Cao tốc Bắc Nam: Tốc độ nào phù hợp?

Mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội khóa XV về đường sắt tốc độ cao. Xung quanh dự án này, đã có nhiều ý kiến trái chiều về các công nghệ xây dựng lẫn tốc độ khai thác.

Ảnh nh họa

 Trao đổi với phóng viên VOVGT, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức chia sẻ:

 

PV: Đường sắt tốc độ cao là một loại hình vận tải phổ biến trên thế giới, công nghệ đường sắt tốc độ cao hiện nay mà các quốc gia đang áp dụng là gì thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn: Thứ nhất là nâng cấp đường sắt hiện nay lên và điện hóa, thì tốc độ tối đa từ 150-180km/h. Công nghệ cao hơn 1 chút của Đức tức là tàu ICE tức là đầu kéo có động cơ còn những toa còn lại chỉ có bánh thì tốc độ có thể đạt tốc độ trung bình khai thác là trên dưới 200km/h.

Đường sắt siêu tốc độ như Nhật Bản thì cả đoàn tàu thì toa nào cũng có động cơ và được phối hợp với nhau bằng máy tính thì tốc độ trung bình khai thác khoảng trên dưới 300km/h.

Đối với vận tải trong thành phố vì nhu cầu đi lại đông nên cần phương tiện chuyên chở lớn không cần tốc độ cao nhưng đi đường dài thì cần tàu tốc độ cao giúp hành khách đi lại nhanh hơn.

PV: Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành lẫn các chuyên gia về việc lựa chọn tốc độ 250km/h hay 350km/h cho đường sắt cao tốc Bắc Nam. Vậy đâu là lựa chọn phù hợp cho nước ta?

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn: Về mặt chiến lược thì chắc chắn Việt nam phải nâng cấp hệ thống đường sắt hiện nay lên rồi nhưng việc lựa chọn công nghệ thì cần phân tích sâu hơn nữa.

Về mặt lâu dài cần tính toán đến khả năng chi trả của người dân cũng như sức khỏe của nền kinh tế để quyết định lựa chọn công nghệ cho phù hợp và hài hòa. Theo tình hình hiện nay thì rất khó nói là nên chọn công nghệ 250 hay 350km/h.

Dù là công nghệ nào thì thì việc phát triển đô thị dọc theo hành lang Bắc Nam là vô cùng quan trọng đặc biệt là những thành phố ở giữa như là Đà Nẵng, Nha Trang, Vinh…vì đó mới là thị trường của đường sắt tốc độ cao. Đó là bài học kinh nghiệm của Nhật Bản hay Châu Âu đều làm như vậy cả.

PV: Xin cám ơn tiến sĩ!

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 8/12 tại đây: