Cảnh báo nguy cơ cháy nổ từ các kho, xưởng

Sáng 12/4, một vụ cháy nhà xưởng làm 8 người chết xảy ra tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Điều đáng nói là nhiều xưởng, kho được xây dựng tạm, xen kẽ với khu dân cư trên đất lấn chiếm giáp sông Nhuệ.

Vụ cháy tại kho xưởng phường Trung Văn, quận Nam Từ Liên đã khiến 8 người chết, trong đó có 4 người cùng một gia đình

Mới đây, tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã xảy ra cháy nhà xưởng làm 8 người chết. Khu vực kho xưởng bị cháy nằm sâu trong khu dân cư hàng trăm mét, có nhiều vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, gỗ nên đã cháy lan và nhanh chóng thiêu rụi cả 4 khu nhà xưởng.

Điều đáng nói, khu vực cháy là các xưởng, kho được xây dựng tạm, xen kẽ với khu dân cư trên đất lấn chiếm giáp sông Nhuệ. Theo ghi nhận của phóng viên, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm vốn là làng nghề tái chế phế liệu. Khắp các ngõ ngách trong làng đều tràn ngập phế liệu của các hộ kinh doanh sản xuất, tái chế phế liệu.

Nhiều người dân ở đây rất lo lắng nguy cơ cháy nổ từ các kho, xưởng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi trước đó, cũng ở khu vực này, ngày 14/10/2018, đã xảy ra cháy xưởng sản xuất ghế sofa trong khu đô thị Trung Văn, làm một người chết. Ngày 02/12/2016, một xưởng nhựa tại ngõ 80 phố Đại Linh, bốc cháy dữ dội. Anh Vũ Văn Cần, người dân ở phố Đại Linh, nêu ý kiến:

Làm xưởng này thì phải quan tâm công tác phòng cháy chữa cháy rất tốt. Đa phần các xưởng cạnh nhau rất nguy hiểm, xảy ra cháy là lan ra cả 4-5 xưởng. Một xưởng trong đó có người ở thôi, nếu các xưởng mà có nhiều người ở thì thiệt hại về người còn thảm hơn.

Thực tế, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm chỉ là một trong số nhiều khu vực tập trung nhiều xưởng, kho được xây dựng tạm, xem kẽ với khu dân cư. Hiện, trên địa bàn Hà Nội có hàng nghìn khu nhà xưởng, kho bãi đang hoạt động nhưng phần lớn không đạt yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy…

Trong các xưởng sản xuất, kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa.. Phần lớn các nhà xưởng, nhà kho ở đây không có hệ thống báo cháy.

Ngoài ra, các nhà kho, nhà xưởng vẫn được xây dựng theo kiểu chuồng cọp, một lối thoát duy nhất. Hầu hết những nhà xưởng, nhà kho này được làm bằng khung thép, mái tôn xen lẫn khu dân cư để làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Đặc biệt ở một số nhà kho, nhà xưởng được xây dựng với kết cấu gạch rất dày, nếu xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn để tiếp cận và xử lý ở bên trong. Bà Phạm Thị Bình, một người dân Hà Nội kiến nghị:

Làng nghề phải tách khỏi khu vực dân cư, họ cũng xin đất nhưng xây chung cư mà làm làng nghề nhựa gây ô nhiễm môi trường nên họ cũng thôi không cho. Tôi kiến nghị làm sao có đất làng nghề cho ra xa khu dân cư nếu không cứ xảy ra cháy như thế nào thì quá nguy hiểm. 

Nhiều nhà xưởng, nhà kho đang hoạt động nhưng không có hệ thống báo cháy

Về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Thành Vinh – Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội, phụ trách công tác đảm bảo PCCC cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ sở cũng như người dân còn kém.

Trung tá Nguyễn Thành Vinh khuyến cáo: Đối với các xưởng sản xuất, chúng tôi cũng khuyến cáo khi có ý định mở xưởng phải tham khảo vị trí mở xưởng đó có thuận lợi về giao thông PCCC hay không; phải căn cứ vào quy mô, diện tích có thuộc sự thẩm duyệt PCCC hay không, phải mua sắm các thiết bị PCCC như thế nào. Trong quá trình họa động, người đứng đầu cơ sở phải đưa ra các biện pháp để bảo vệ tài sản của mình.

Nhiều những vụ cháy nổ xảy ra thời gian qua đã đặt ra vấn đề đáng báo động, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi vào mùa nắng nóng, nguy cơ cháy nổ càng cao. Vì thế, bên cạnh ý thức của người dân trong việc phòng cháy, chữa cháy rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền.