Cần phương án sàng lọc và chuyển viện an toàn cho các F0 điều trị tại nhà

Hiện TP.HCM có hơn 13.000 trường hợp F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Nhiều người đã tự khỏi bệnh, nhưng cũng có không ít người trở nặng, ra đi chỉ sau đó vài giờ, vì không kịp cấp cứu.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hệ thống điều trị của TP đang quá tải. Hơn lúc nào hết, rất cần những “cánh tay nối dài” để tạo “tầng lửng” trong sàng lọc và chuyển viện cho các F0 này, nhằm giảm tỉ lệ tử vong. 

Ảnh nh họa

Gia đình Chi ở quận 4, có 8 người, thì đến 5 người dương tính và 2 người nghi nhiễm. Cả nhà gần như tự cách ly suốt 2 tháng liền, kể khi TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15,16. Nhưng chỉ vì một sơ suất, ai đó ra ngoài, đã dẫn đến tình cảnh này.

2 người đầu tiên mắc COVID-19 không có triệu chứng ban đầu, 3 ngày sau mới được đi cách ly. Bà của Chi, ngoài 80 tuổi, phải nhờ cậy “Xe cứu thương 0 đồng” trong đêm, khi vừa nhận kết quả PCR:.

"Khoảng thời gian từ khi biết một người dương tính thì 3 ngày sau, y tế mới xuống đưa đi cách ly và không cho biết được những người nào dương tính nữa, dẫn đến việc dù nhà mình đã cố gắng cách ly rồi, những người còn lại vẫn có khả năng bị dương tính. Mình cùng ba đưa bà vào BV, Bác sĩ cũng giải thích, ở đây toàn ca siêu lây nhiễm, nên khi bạn bước chân vào đây, dù là dương tính hay âm tính, bạn cũng đã là F0", Chi cho biết

Mẹ của Thu ở TP. Thủ Đức vừa tử vong vì COVID-19. Trước đó 4 ngày, bà có hiện tượng ho, khó thở, tưởng đã tự khỏi thì đột ngột trở nặng.

Thu nén nỗi đau nhắc lại giây phút không thể gọi được xe cấp cứu cho mẹ: "Em gọi đủ hết, y tế phường, số nào liên quan đến bộ phận y tế em gọi hết. Có chỗ thì bảo đang kiểm tra, tùm lum tà la… quá tải hay sao ấy. Gọi từ 11g-12h, 15h hơn xe mới tới".

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mỗi ngày, Tổng đài cấp cứu 115 nhận được hơn 5.000 cuộc gọi, trước đây chỉ có 6-8 line cuộc gọi, hiện tăng lên 40-50 line. 200 chiếc taxi truyền thống đã được nâng cấp thành taxi chuyển bệnh

"Đối với xe cấp cứu, đã tiếp nhận nguồn tài trợ 40 xe cấp cứu ở 4 khu vực từ quận 12, Hóc Môn, TP Thủ Đức và Bình Tân. Ngoài ra, trung tâm cũ vẫn duy trì, với sự hỗ trợ của các xe taxi, mỗi xe đều có bình oxy, mặt nạ thở, máy đo SPO2 kẹp tay, test nhanh. Nếu các F0 đang được chăm sóc tại nhà, xe taxi sẽ tiếp cận ngay và chuyển lên tuyến trên một cách kịp thời", bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nói.

Tuy nhiên, theo GS. Ngô Quốc Đạt, Phó Trưởng Khoa Y, Đại học Y dược TP.HCM, thách thức lớn nhất là khi F0 trở nặng, họ không biết phải xoay sở thế nào để được nhập viện điều trị kịp thời. Độ trễ trong xử lý, điều phối cuộc gọi từ tổng đài 1022 về y tế cơ sở có thể lỡ mất thời gian vàng của bệnh nhân. Bởi vậy, cần thiết phải có một mô hình chuyển viện an toàn.

GS. Ngô Quốc Đạt cho biết: "Đại học Y dược có hỗ trợ cho quận 10 mô hình có bệnh nhân tại nhà,  nhóm thứ nhất gồm sinh viên, thầy cô giáo, bác sĩ, chủ động gọi video call, tiếp cận, trấn an, hướng dẫn họ theo dõi tại nhà.

Mục tiêu là phát hiện sớm các trường hợp cần can thiệp. Nhóm thứ 2 là trạm cấp cứu cộng đồng, có xe cứu thương tới hiện trường cấp cứu bệnh nhân tại chỗ. Sau đó bệnh nhân ổn, sẽ chuyển về trạm cấp cứu của mình. Thời gian tối đa lưu bệnh nhân là 6 tiếng.

Bệnh nhân nào đáp ứng, thì mình gửi về nhà và tiếp tục theo dõi. BN không đáp ứng thì sẽ phân tầng và chuyển đúng đến BV và đúng tầng"

Bà của Chi, cô gái được nhắc đến ở đầu câu chuyện, đã không qua khỏi. TP.HCM đang “chạy đua” từng giờ, từng phút để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Hơn lúc nào hết, cần nhiều hơn nữa những cánh tay nối dài cho các Bệnh viện Quận, huyện và tạo ra “tầng lửng” để giảm tải cho tuyến trên, vừa phát hiện sớm các nguy cơ, và can thiệp kịp thời đối với các trường hợp F0 tự điều trị.