Cần người dân góp ý về việc nới lỏng kinh doanh mũ bảo hiểm

VOVGT - Việc nới lỏng các điều kiện kinh doanh MBH có thể có tác động ra sao tới thị trường của mặt hàng liên quan nhiều đến sự an toàn của người sử dụng?

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Trong bài viết trước, VOVGT Quốc gia đã ghi nhận ý kiến của các bên liên quan về Dự thảo thay thế Nghị định 87/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy có một số thay đổi theo hướng nởi lỏng điều kiện kinh doanh mặt hàng này.

Dự thảo nói trên đang được Bộ KH-CN lấy ý kiến của các bộ, ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (MBH). Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất MBH lớn, có uy tín cho rằng, nếu quy định như dự thảo thì thị trường MBH ở Việt Nam sẽ ngày càng khó kiểm soát.

Dự thảo mới bổ sung những quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn theo hướng có lợi cho các DN sản xuất linh kiện MBH

Cụ thể, Nghị định 87/NĐ-CP đưa ra những điều kiện khá ngặt nghèo, yêu cầu trang thiết bị của dây chuyền sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để sản xuất MBH có chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, bao gồm: thiết bị ép và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; thiết bị ép và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp); thiết bị dập (tán) đinh tán (dùng để ghép các cụm chi tiết).

Đây đều là các phần quan trọng nhất của chiếc MBH. Tuy nhiên, dự thảo mới lại bổ sung những quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn theo hướng có lợi cho các DN sản xuất “linh kiện” MBH. Đó là chấp nhận trường hợp doanh nghiệp chưa đầu tư trang bị thiết bị ép (đúc) để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp), chỉ cần trang bị khuôn mẫu có ký hiệu nhận dạng của doanh nghiệp và thuê doanh nghiệp khác gia công chế tạo lớp hấp thụ xung động.

>>> Nới lỏng kinh doanh mũ bảo hiểm có thực sự tốt?

Cũng trao đổi với chương trình về những băn khoăn về NĐ này, Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Công ty Tiger Team Industry (Bình Dương) - cho biết, công ty đã sản xuất MBH 10 năm ở Việt Nam và 20 năm ở Pháp, tuy không trang bị máy ép đùn và khuôn mẫu để sản xuất lớp mút xốp nhưng sản phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn châu Âu. Vì vậy theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, thay vì bắt doanh nghiệp đầu tư tất cả thiết bị sản xuất, gây lãng phí, nên tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm. Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Nam, đại diện một doanh nghiệp sản xuất MBH cho biết: 

 

Không thể bắt doanh nghiệp có mọi loại thiết bị, bởi nếu đầu tư ban đầu lớn, sản xuất dư thừa, họ sẽ lỗ. Doanh nghiệp không thể đầu tư lớn phải liên kết để gia công. Việc kiểm soát để chất lượng đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mới là quan trọng. Tôi có đề xuất là thay vì bắt doanh nghiệp đầu tư tất cả thiết bị sản xuất, gây lãng phí, nên tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm.

Trước lo lắng trên, tại hội nghị triển khai Nghị định 87/2016/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm - được tổ chức mới đây tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) cho biết, nếu chưa có đủ dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp có thể thuê, nhưng phải kiểm soát được chất lượng mũ theo đúng quy chuẩn quốc gia. Các đại lý bán mũ phải có địa điểm rõ ràng, hạn chế tình trạng bán mũ không đạt chuẩn. Còn ông Phạm Hữu Cát - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa ền Nam - cho rằng, tuy Nghị định 87 đã quy định khá chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm theo một chuỗi, cơ quan quản lý vẫn cần chú trọng kiểm tra quá trình sản xuất, đảm bảo điều kiện đầu vào và đầu ra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để thông tin về nghị định đến toàn xã hội, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

Về phía UBATGTQG, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban cho biết, Nghị định 87/2016/NĐ-CP là hành lang pháp lý quan trọng cho các nhà sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Ông Khuất Việt Hùng cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất đồng hành trong việc triển khai Nghị định 87 và quan tâm nghiên cứu đến việc sản xuất mũ bảo hiểm, mong người dân chủ động không mua các sản phẩm không đủ chuẩn, thông tin đến các cơ quan chức năng khi phát hiện sai phạm…

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nói:

 

Chúng tôi mong người dân biết thông tin thì chủ động hợp tác bởi chỉ khi người dân ủng hộ thì mới đưa Nghị định 87 đi vào cuộc sống. Và như vậy sẽ giảm thiểu mũ bảo hiểm không đạt chuẩn xuất hiện trên thị trường, qua đó giúp người tham gia giao thông giảm thiểu nguy cơ tử vong, chấn thương đầu nếu không may xảy ra tai nạn.

Nhiều quan điểm hy vọng, mặc dù quy định về sản xuất mũ bảo hiểm đã được nới lỏng trong Nghị định 87, nhưng các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn trong kiểm tra chất lượng kỹ thuật mũ bảo hiểm và thường xuyên kiểm soát các cơ sở kinh doanh MBH theo quy định. Với người tiêu dùng, cũng cần nắm rõ các quy định của Nghị định để lựa chọn mua MBH có nhãn hiệu tại các cửa hàng đạt tiêu chuẩn, chất lượng.