Cần đồng nhất chính sách cho vay ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội

Nghị định số 100 năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã mang đến một loạt thay đổi.

Trong đó thay đổi đáng chú ý là lãi suất cho vay nhà ở xã hội được điều chỉnh theo mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ, hiện tại là 6,6%/năm. Ngay khi quy định này có hiệu lực Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã đề xuất điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội từ mức 6,6% hiện nay xuống 3-4,8% mỗi năm.

Vậy đâu là mức lãi suất phù hợp, việc đồng nhất chính sách lãi suất cho cùng 1 đối tượng cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo người nghèo, người thu nhập thấp có thể tiếp cận được nhà ở?

Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đối thoại với một số chuyên gia và hiệp hội trong lĩnh vực này. Trước hết là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:

PV: Ông nhìn nhận thế nào về đề xuất của Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề nghị điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội từ mức 6,6% hiện nay xuống 3-4,8% mỗi năm?

Ông Nguyễn Văn Đính: Tôi cho rằng đây là đề xuất hợp lý, bởi lẽ chúng ta phải luôn tìm ra giải pháp tốt hơn, dễ dàng hơn, tạo điều kiện thực chất hơn cho nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội. Trước đây chúng ta đã có chính sách tốt, tức là mức lãi suất từ 3-4,8% một năm, nhưng do Nghị định 100/2024 có hiệu lực từ 1/8 quy định mức lãi suất khác, vô tình đã đẩy lãi suất lên 6,6%.

Như vậy chúng ta đang cố gắng nỗ lực để làm sao tốt hơn nhưng vô tình lại đẩy lên cao, tôi cho rằng đây không phải chủ ý từ phía các chính sách mà chỉ là vô tình. Tôi nghĩ nên điều chỉnh lãi suất theo đề xuất của Hiệp hội bất động sản TP.HCM.

Ảnh: VGP

PV: Được biết hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội có 2 danh mục cho vay ưu đãi về nhà ở là chương trình "hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ" với lãi suất ưu đãi 6,6% một năm trong 10 năm và chương trình "cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở" với lãi suất cho vay ưu đãi 3% năm trong 10 năm. Ông nghĩ thế nào nếu cùng một đối tượng nhưng lại có 2 chính sách, liệu có nên đồng nhất 1 chính sách để giúp người dân thoát nghèo?

Ông Nguyễn Văn Đính: Đúng rồi, ở đây thể hiện chính sách thiếu tính đồng bộ, cùng một chủ trương nhưng các chính sách lại không trùng khớp nhau, dẫn đến chính sách này có mức lãi suất 3-4,8% một năm nhưng chính sách khác lại đưa lên 6,6% một năm và đều cùng để phục vụ một nhóm đối tượng là người nghèo.

Như vậy rõ ràng là thiếu tính đồng bộ, tôi cho rằng đây là sự bất cẩn trong cách xử lý kĩ thuật ở các quy định pháp luật. Tôi cũng đồng ý việc phải xem xét để đồng nhất đưa về một mức và đương nhiên đối với người nghèo phải đưa lãi suất xuống dưới mức 5%/năm là phù hợp, nếu để mức 6,6% tương đương với mức cho vay đối với nhóm đối tượng thương mại, sẽ không phù hợp.

PV: Ngoài chính sách ưu đãi về lãi suất, theo ông để khuyến khích DN làm nhà ở xã hội trong thời gian tới cần có những chính sách như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đính: Trước hết là giảm bớt quy trình thủ tục, thứ hai là vấn đề thế chấp, tôi cho rằng bản thân các dự án nhà ở xã hội nó đã là một sự đảm bảo rồi, chúng ta cần phải quan tâm, hỗ trợ đối tượng là các chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Đây là vấn đề cần được quan tâm nhất và sớm có điều chỉnh, xử lý để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, để họ thấy được sự quan tâm của nhà nước và tích cực tham gia nhiều hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Dự án chung cư nhà ở xã hội D7 - D10 (phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ quan điểm, nhìn nhận  về đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và đâu là yếu tố then chốt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội:

"Tôi nghĩ đấy là một đề xuất rất tích cực, rất tốt, đáp ứng được nhu cầu và mong mỏi của người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Bở vì để người mua nhà ở xã hội giám vay và có khả năng trả được lãi vay cũng là điều rất khó khăn rồi, nên cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Ở đây có một điểm tích cực là thời hạn cho vay lên đến 10 năm thì rõ ràng với người có thu nhập thấp thời gian trả nợ càng dài thì càng khả thi đối với họ.

Còn muốn thu hút nhà đầu tư thì trước hết cần phải có quỹ đất sạch, có quy hoạch hợp lý và đủ lớn, lúc đó mới có điều kiện để mời những đơn vị phát triển bất động sản chuyên nghiệp hoặc các nhà thầu chuyên nghiệp tham gia. Và họ sẽ đưa ra các phương án thiết kế với tỷ lệ vàng, tối ưu về công năng và tiện ích, vừa tiết kiệm được tiền thiết kế vừa tiết kiệm được nhiều chi phí khác. Đấy mới là yếu tố quan trọng để hạ giá thành nhà ở xã hội".