Cách nào rút ngắn tiến độ nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sớm 2 tháng

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đến thời điểm này, công trình nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành hơn 81% khối lượng thi công phần thô.

Các bên liên quan đặt mục tiêu hoàn thành thi công và đưa vào khai thác hạng mục này đúng ngày 30/4/2025 tức là rút ngắn tiến độ khoảng 2 tháng so với kế hoạch đề ra. 

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Khắc Hồng – Trưởng Ban quản lý dự án nhà ga T3 về vấn đề này.

PV: Thưa ông, vì sao chúng ta chọn mốc 30/4/2025 làm mục tiêu hoàn thành dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất?

Ông Lê Khắc Hồng – Trưởng Ban quản lý dự án nhà ga T3

Ông Lê Khắc Hồng: Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT cũng như Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Vào dịp khai xuân vừa rồi, Thủ tướng có vào công trường để động viên cán bộ nhân viên, người lao động và đưa ra chỉ đạo phải rằng bằng mọi cách phải đưa nhà ga T3 về đích đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng ền Nam thống nhất đất nước.

Đây là mốc thời gian rất quan trọng, là năm tròn năm chẵn có nhiều dự án công trình công việc trên cả nước hướng về ngày kỷ niệm này.

Kiến trúc nhà ga T3 được lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống.

PV: Vậy chúng ta sẽ phải làm gì để đạt mục tiêu tiến độ này?

Ông Lê Khắc Hồng: Như chúng ta đã biết hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu đã ký với thời gian là 600 ngày, có nghĩa là hoàn thành công trình khoảng ngày 15/6/2025. Bây giờ khi rút lại 2 tháng thì trước tiên phải thống nhất với các nhà thầu, tư vấn giám sát, xem xét toàn bộ quá trình dự án xem có phần nào khâu nào còn có dư địa để cải tiến được.

Đầu tiên, phải áp dụng công nghệ thi công tiên tiến, nếu như trước đây thi công bằng cẩu tải trọng thấp, ngắn thì phải áp dụng hình thức tiên tiến. Hoặc nếu trước đây thi công tuần tự từ sàn tầng 1 đến tầng 2 lên tầng 3 thì bây giờ thi công theo phương thức topdown tức là song song cả tầng 1 và tầng 3 với công nghệ tiên tiến.

Đương nhiên phải tăng mũi thi công, chia công trình thành nhiều zone nhỏ để thi công cuốn chiếu chứ nếu không tăng mũi thi công mà cứ tuần tự trước sau thì khó đảm bảo tiến độ. Ở dự án này, chúng tôi có giải pháp quản lý riêng, tức là quản trị theo theo quá trình chứ không quản trị mục tiêu, cứ 15 ngày chúng tôi giao kế hoạch 1 lần, sau đó cùng ngồi lại kiểm điểm xem có đạt tiến độ không, nếu không đạt thì 15 ngày tiếp theo phải bù cho phần còn thiếu trước đó.

Tinh thần toàn bộ công trường rất phấn đấu, hăng say thi đua với nhau, nếu không đảm bảo thì 15 ngày tiếp theo phải tăng quân tăng người thêm nữa để vừa đảm bảo kế hoạch 15 ngày tới vừa đảm bảo khối lượng không đạt.

Nhà ga T3 hoàn thành sẽ phục vụ 20 triệu lượt khách mỗi năm, giúp nâng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm, cùng với hai nhà ga T1 và T2 hiện hữu. Ảnh: Lao động

PV: Đến thời điểm này, đâu là khó khăn mà chúng ta gặp phải trong quá trình thi công?

Ông Lê Khắc Hồng: Cái khó khăn trong giải phóng mặt bằng thì qua rồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khác, nhất là ở đây mặt bằng thi công rất chật hẹp, các nhà thầu phải phân đoạn, nhường nhịn nhau, nhà thầu này thi công thì nhà thầu kia phải dừng, không có bãi tập kết vật liệu hay xung đột với dự án Trần Quốc Hoàn Cộng Hoà bên cạnh, xe ra vào rất khó.

Chúng tôi thường xuyên trao đổi với Ban Giao thông của TPHCM để làm sao xen kẽ giờ bê tông, nếu họ buổi sáng thì chúng tôi buổi chiều, chứ không còn cách nào khác vì đường chỉ có một.

Cái khó khăn nhất là mặt bằng thi công và đường công vụ trong dự án. Thứ hai là không như Long Thành, ở đây vừa thi công vừa khai thác ngay cạnh sân bay Tân Sơn Nhất nên các cẩu thế này ảnh hưởng nhiều đến tĩnh không sân bay nên chỉ thi công được theo giờ, không thể làm 24/24 được, rất khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua các trở ngại như vậy.

PV: Xin cảm ơn ông.