Buông lỏng quản lý, thiết bị ghi âm và quay lén được bày bán công khai

VOVGT - Trước tình trạng kinh doanh, buôn bán thiết bị quay lén, ghi lén đang diễn ra tràn lan, không kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy

 

Mới đây, Bộ Công an lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Một trong những đề xuất đáng chú ý trong dự thảo này là chỉ những cơ quan chức năng chuyên trách mới được sử dụng thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình.

Cụ thể, tại khoản 3, Điều 4 dự thảo Nghị định này đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. Tại khoản 6 Điều 5 của dự thảo cũng nghiêm cấm việc sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Việc kinh doanh thiết bị quay lén, nghe lén diễn ra công khai.

Trước sự việc này, trao đổi với Kênh VOV Giao thông Quốc gia, luật sư Hồng Bách đã bày tỏ quan điểm của mình và cho rằng dự thảo này không phù hợp với thực tế. Luật sư Hồng Bách giải thích, trong Bộ luật Hình sự, dân sự quy định, những chứng cứ và những vấn đề được coi là chứng cứ, trong đó có hình ảnh, âm thanh, video clip được coi là chứng cứ. Vậy thì trong trường hợp nếu sử dụng những thiết bị này để thu thập chứng cứ, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình lại là vi phạm pháp luật. Điều này sẽ gây khó khăn hơn trong quá trình cung cấp chứng cứ hoặc đưa ra các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

 

Theo Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, chụp hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước. Qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, chụp hình, định vị.

Tuy nhiên, ngay sau khi dự thảo nghị định được công bố, đã có nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận, bởi việc quy định như dự thảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội; có thể bỏ lọt tội phạm; không thể xử lý nhiều vụ việc tham nhũng hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác do thiếu chứng cứ. Đối với các phóng viên, thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình có thể là những công cụ không thể thiếu để tác nghiệp và nhiều vụ việc tiêu cực được phản ánh, phanh phui cũng là nhờ vào việc ghi âm, ghi hình.

Bên cạnh đó, đối với các luật sư thì việc sử dụng các thiết bị, phần mềm ghi âm, ghi hình cũng rất cần thiết trong hoạt động hành nghề. Việc sử dụng các thiết bị, phần mềm ghi âm, ghi hình của luật sư phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật tố tụng dân sự. Dưới góc độ báo chí, nhà báo Quang Hưng – Phó ban Thời nay, báo Nhân dân cho rằng, nếu dự thảo này được hiện thực hóa sẽ gây cản trở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tác nghiệp. Nhà báo Quang Hưng bày tỏ quan điểm:

 

Theo nhà báo Quang Hưng, việc sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị (gọi tắt là thiết bị, phần mềm) phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội… không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà còn là của cá nhân, tổ chức và mọi công dân. Do đó, thay vì hạn chế người sử dụng thì nên hướng tới mục tiêu của Nghị định là quản lý. Nhà báo Quang Hưng giải thích:

 

Trước dự thảo Nghị định do Bộ Công an chủ trì, soạn thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan soạn thảo đưa ra điều khoản chỉ có một số ít cơ quan chuyên trách sử dụng thiết bị ngụy trang là mang tính độc quyền. Bởi nếu vì mục đích an ninh quốc phòng thì các cơ quan chức năng phải sử dụng những thiết bị chuyên dụng riêng và họ phải có những trình độ đặc biệt để quản lý.

Còn theo điều khoản trong dự thảo đã cấm một cách “đại trà” và để cho một số ít cơ quan được sử dụng là điều bất hợp lý trong cách thức quản lý. để vừa đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm vừa đảm bảo lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp thì Nghị định nên quy định chính xác cách thức, nguyên tắc sử dụng các thiết bị, phần mềm nguy trang để ghi âm, ghi hình thay vì quy định về đối tượng sử dụng. Bởi các thiết bị, phần mềm là sản phẩm sáng tạo, là trí tuệ của con người, được phát nh với mục đích tốt. Chỉ có hành vi, mục đích sử dụng của từng đối tượng cụ thể mới gây nguy hiểm cho xã hội.