Buộc chụp ảnh chân dung khi đăng ký thuê bao di động có cần thiết?

VOVGT - Khi con số người sử dụng dịch vụ viễn thông hiện nay lên tới gần 120 triệu thì việc bổ sung ảnh chân dung liệu có cần thiết và khả thi?

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Một trong những điểm bổ sung được chú ý nhất của Nghị định số 49/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, là ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Nhà mạng sẽ phải thực hiện lấy những thông tin này đối với các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, quy định nêu rõ sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Được biết, nghị định này được ban hành với mục đích tăng cường quản lý thuê bao di động và ngăn chặn tin nhắn rác. Bởi lẽ, tại Việt Nam có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán và các tin nhắn rác này chủ yếu xuất phát từ các sim rác, là những sim thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin chủ thuê bao không chính xác.

Nghị định số 49/2017 được ban hành với mục đích tăng cường quản lý thuê bao di động và ngăn chặn tin nhắn rác

Hiện một số nhà mạng đã bắt đầu thực hiện nghị định mới này, bằng việc gửi thông báo đến cho khách hàng bổ sung thêm ảnh chân dung, nhằm hoàn tất các thủ tục đăng ký thuê bao chính chủ, đồng thời triển khai việc chụp ảnh người trực tiếp đến giao dịch và ký kết hợp đồng. Việc bổ sung này được nhà mạng thực hiện bằng cách đặt thêm camera tại các quầy giao dịch, và khi khách hàng đến làm thủ tục đăng ký SIM sẽ được yêu cầu chụp ảnh chân dung.

Tuy nhiên, quy định mới này cũng khiến cho nhiều khách hàng đã từng đăng ký thông tin chính chủ băn khoăn bởi, khi đăng ký thuê bao thì trên chứng nh thư nhân dân hoặc căn cước đã cung cấp đầy đủ ảnh, tên tuổi, địa chỉ, vậy chụp thêm ảnh chân dung có thực sự cần thiết? Trong trường hợp tôi làm đầy đủ thủ tục giấy tờ mà vẫn tiếp tục nhận được các tin nhắn rác thì nhà mạng có chịu trách nhiệm không? Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, sống tại quận Hoàng Mai bày tỏ:

 

Cá nhân mình thấy việc đó không phù hợp. Vì trước khi đăng ký thì mình đã cung cấp chứng nh thư rồi. Thứ hai, có những người sở hữu số điện thoại không phải là người đăng ký, mà có thể là người thân cho, tặng. Hoặc những thuê bao ở vùng sâu vùng xa rất khó tiếp cận để cung cấp thông tin. Nếu thay đổi đồng bộ cả hệ thống thì khá khó khăn. Còn việc quản lý, ngăn chặn tin nhắn rác không phải do cá nhân thuê bao, mà trách nhiệm thuộc về bên cung cấp dịch vụ viễn thông. Và mình nghĩ là sẽ có cách xử lý thôi.

Sử dụng một Sim thuê bao di động đã vậy, còn những người sử dụng nhiều Sim điện thoại từ nhiều nhà mạng cũng đồng nghĩa với việc thời gian làm thủ tục bổ sung ảnh chân dung tăng lên nhiều lần. Chính bởi vậy, nhiều người dùng cho rằng, quy định trên chỉ tạo thêm sự rườm rà về thủ tục, trong khi để sở hữu SIM chỉ cần đăng ký bằng CMND đã có đủ thông tin và hình ảnh xác thực.

Nhìn nhận về quy định mới, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, nguyên tắc chặn thuê bao rác, thuê bao thừa là đúng, nguyên tắc xác định đúng đối tượng để ràng buộc trách nhiệm là đúng.

Nhưng điều quan trọng là ràng buộc đúng đối tượng. Tin nhắn rác chỉ là một trong các hiện tượng tiêu cực từ thuê bao rác, thuê bao không chính chủ. Thực tế còn rất nhiều hiện tượng tiêu cực mà đối tượng có thể lợi dụng nếu quản lý thuê bao không tốt. Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương của nhà nước là xác định đúng đối tượng chịu trách nhiệm đăng ký sim và sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, khi khách hàng mua sim, các nhà mạng đều yêu cầu xuất trình CMTND hay căn cước công dân để làm thủ tục. Như vậy về cơ bản đã nắm được đầy đủ thông tin của người sử dụng, có ảnh chân dung cũng như dấu vân tay. Còn quy định bổ sung ảnh của chủ thuê bao để tăng cường quản lý sẽ không đủ hiệu quả nếu kẻ gian cố tình lợi dụng để trục lợi hoặc có ý đồ xấu. Thứ hai, quy định này cũng kéo theo các thủ tục, làm tăng thêm chi phí xã hội. Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia trong khu vực đều không quản lý bằng cách chụp ảnh chân dung thuê bao mà chỉ cần quét giấy tờ tùy thân như căn cước, hộ chiếu… để làm hồ sơ lưu trữ xác thực. Ông Vũ Hoàng Liên phân tích:

 

Theo tôi thì CMTND hay căn cước là cơ sở pháp lý đủ để quản lý vì hiện nay, ngân hàng, bảo hiểm hay dịch vụ công cũng đều dùng những giấy tờ này. Nơi cần có độ an toàn cao như ngân hàng cũng sử dụng CMT để quản lý. Trong tình huống nào đó cho rằng không đủ yếu tố pháp lý, không đủ thông tin quản lý thì lúc đó mới phải dùng thông tin phụ.

Trao đổi về việc bổ sung ảnh chụp có đủ căn cứ pháp lý để ràng buộc trách nhiệm không, Luật sư Minh Trường, GĐ công ty Luật Minh Khuê phân tích, những giấy tờ kiểu như CMND hay thẻ căn cước hoàn toàn đầy đủ tất cả các dữ liệu để chứng nh người sử dụng sim là chính chủ. Quy định trên khá cứng nhắc và làm mất thêm nhiều thời gian của khách hàng. Do đó, cần có cách hướng dẫn nghị định vừa ban hành theo hướng đơn giản, giảm thời gian đi lại cho người dân và chi phí cho doanh nghiệp:

 

Chúng ta cũng nên xây dựng các phương thức khác để người dùng bổ sung thông tin một cách chân thực. Vì khi cung cấp chứng nh thư là đã một lần khẳng định thông tin là chính xác. Vậy cần phải xây dựng Thông tư phù hợp với thực tiễn, nếu quy định cứng nhắc rằng phải đến trung tâm, nhà mạng để chụp ảnh thì việc này thực hiện rất mất thời gian và không khả thi trong thực tế.