Bức xúc tình trạng tung tin sai sự thật nhằm 'câu like'

VOVGT - Hiện tình trạng tung tin đồn, tin sai sự thật nhằm "câu like" để trục lợi trên các trang mạng xã hội đang ngày một xảy ra nhiều hơn

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Ngày nay, trong xu thế công nghệ phát triển, mạng xã hội đã tạo ra những “cơn bão thông tin” với tốc độ chóng mặt. Thời gian qua, tình trạng tung tin đồn trong mọi lĩnh vực từ kinh tế đến an ninh trật tự gây thiệt hại không nhỏ không chỉ người trong cuộc mà còn tới an ninh trật tự.

Mới đây nhất, ngày 12/7, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một cô gái trẻ dùng nước rửa chân pha trà đá bán cho khách trên đường Cầu Giấy (Hà Nội). Sự việc đã khiến nhiều người tỏ ra phẫn nộ, bức xúc, thậm chí là kêu gọi tẩy chay quán trà đá vỉa hè trên. Tuy nhiên, đó chỉ là một clip dàn dựng, cắt ghép của chủ tiệm một salon tóc gần đó. Người thực hiện hành vi cho chân vào xô nước và người uống nước đều là nhân viên của salon tóc. Chủ nhân thật sự của quán trà đá là bà Phạm Thị L. Sau sự việc trên, quán trà đá của bà L bị tịch thu vì vi phạm trật tự đô thị.

Ngay sau đó, chủ quán trà đá đã lên trụ sở UBND phường Quan Hoa làm đơn khiếu nại, yêu cầu những người chế clip phải bồi thường tổn thất. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ tung tin đồn nhảm gây hậu quả xấu diễn ra trong thời gian qua.

Chỉ vì hiểu nhầm, 2 người phụ nữ của hợp tác xã tình thương đã bị nhiều người vây đánh tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc tung tin đồn thất thiệt về người khác hoặc tin đồn khủng bố, bắt cóc, dịch bệnh, thực phẩm nhiễm độc… lên mạng là việc làm vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức xử lý thích hợp. Và trên thực tế, việc tung tin đồn nhảm đã có chế tài xử phạt, từ xử phạt hành chính đến xử phạt hình sự, trong đó mức độ xử phạt nhỏ nhất cũng vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí phải đi tù đến 7 năm nhưng tình trạng đưa thông tin đồn nhảm lên mạng xã hội vẫn chưa chấm dứt.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết:

 

Vấn đề này đã có những chế tài xử phạt. Nếu nhẹ thì xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đưa thông tin sai lệch không đúng sự thật, xúc phạm nhân phẩm người khác hay gây ảnh hưởng đến an ninh xã hội. Còn nếu nặng hơn thì bị xử phạt hình sự như tội vu khống.

Cụ thể, ở góc độ dân sự, khi bị tung tin không đúng sự thật, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu người tung tin đồn thất thiệt phải xin lỗi cải chính công khai, bồi thường thiệt hại do tin đồn gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh theo quy định của Bộ luật Dân sự. Về xử phạt hành chính, người có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường có thể bị xử phạt theo quy định của Nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn… Còn theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, người cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Đặc biệt, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin đồn nhảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu xác định được chính xác người “sáng tác” ra tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo Điều 122, Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 1-10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Trường hợp chỉ xác định được người tung tin trái với quy định của pháp luật, xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng lên mạng thì cá nhân đó có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, các chế tài xử phạt đều đã có và tương đối nghiêm khắc, tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng tung tin đồn, bịa đặt vẫn diễn ra ngày càng phổ biến và mức độ ngày càng nguy hiểm. Điều này một phần là do các đối tượng tung tin đồn đã không hình dung ra được những hệ lụy kéo theo cũng như những hậu quả pháp lý nặng nề mà họ có thể phải gánh chịu.

Bên cạnh đó, một phần cũng là do tính chất “ảo” của mạng xã hội nên việc phát hiện, xử lý các đối tượng tung tin đồn là không dễ dàng, gây tâm lý coi thường của các đối tượng”. Chính vì thế, các chế tài đối với các hành vi vi phạm này vẫn chưa được áp dụng và xử lý triệt để. Trương Thanh Đức cho biết:

 

Cái khó là nó quá nhiều thông tin và nguồn gốc, điều tra để xem xét xem là ai đưa lên, lỗi như thế nào. Nó có những quy trình thủ tục. Và cơ quan nhà nước phải làm đúng quy trình xử phạt thì mới có thể xử phạt được. Do đó, trên thực tế không thấy những trường hợp như thế này bị xử phạt. Chỉ có 1 vài lần đưa tin về đổi tiền, hay ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Chứ còn những trường hợp khác gần như không thấy xử phạt.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư số 09/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Mặc dù vậy, việc kiểm soát và xử lý những kẻ tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội chưa thực sự hiệu quả.

Đề cập đến những giải pháp nhằm chấm dứt thực trạng này, TS Xã hội học Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó trưởng khoa Khoa Xã hội học, Trường Học Viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng, cần phải xử lý triệt để các hành vi tung tin đồn nhảm, gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt là điều không hề đơn giản đối với các cơ quan chức năng:

 

Điều này không hề đơn giản vì mạng xã hội là quyền của mỗi cá nhân và việc chúng ta quản lý như thế nào thì cần có cả một quy định về mặt luật pháp, chứ không thể nói là quản là quản được ngay.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, trước hết, những nhà làm luật cần sớm hoàn thiện chế tài xử lý, quy trách nhiệm tới cùng đối với những đối tượng có hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho người khác và cộng đồng. . Đồng thời, nhanh chóng có biện pháp chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ hơn những thông tin được phát tán trên mạng, làm rõ những đơn vị thông tin truyền thông tiếp tay cho những tin đồn phát tán rộng rãi. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần công khai, nh bạch những thông tin quan trọng, liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, những chủ trương, chính sách mới rộng rãi, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và nắm bắt.

Mặc dù nhiều vụ việc đau lòng liên quan tới mạng xã hội đã xảy ra nhưng vẫn không thể ngăn được việc like, share vô cảm. Do vậy, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội cần có ý thức, trách nhiệm và đạo đức với những thông tin mình đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội