Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để kiềm chế lạm phát, được không?

Với đà tăng liên tục của giá xăng dầu như hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại, nếu không có giải pháp đủ mạnh, thì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô có thể bị đe dọa.

Trước diễn đàn Quốc hội, đã có ý kiến đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Trước đó, vấn đề này cũng từng được nêu ra. Vậy, có thể bỏ loại thuế này được không, để hạ nhiệt giá xăng dầu, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát?       

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng rất mạnh thì chúng ta có nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu hay không?

TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta chưa nên bỏ loại thuế này, vì xăng dầu được coi là một loại hàng hóa đặc biệt, dù không phải là hàng hóa xa xỉ, nhưng rõ ràng có tính chất đặc biệt, nó tiêu hao, mất đi trong tiêu dùng, có thể gây ô nhiễm môi trường và nó cũng là loại toàn tài nguyên không tái tạo được.

Cho nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần điều tiết hành vi tiêu dùng, cũng như tiết kiệm năng lượng. 

Thứ hai, việc áp dụng thuế này nó cũng khá là phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải ra môi trường và cũng khá là phù hợp với thông lệ quốc tế khi một số nước trong khu vực cũng đã và đang áp dụng các loại thuế này như: Úc Ấn Độ, Philippines, Thái Lan…

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay trong bối cảnh giá xăng dầu đã và đang tăng mạnh ảnh hưởng đến lạm phát, giảm đà phục hồi thì chúng ta có thể xem xét giảm thuế này, có thể là từ 3 tháng đến 6 tháng trên cơ sở cân đối nguồn lực ngân sách của Nhà nước. 

PV: Vì sao ông đề xuất tạm giảm, chứ không phải tạm bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu? 

TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta không nên tạm bỏ, bởi vì chúng ta chỉ nên tạm giảm như một số sắc thuế khác. Thuế này chúng ta cũng nên cân nhắc theo phương án giảm mức thuế suất tương tự chứ còn không nên bỏ hẳn, bởi nếu bỏ hẳn thì tạo ra một tiền lệ và sau này khôi phục nó là tương đối khó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trao đổi với VOV Giao thông, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, trong thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, nếu lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu để ít tác động đời sống người dân, thì việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là cần thiết:

"Nếu đặt nó vào đây là mặt hàng nhu cầu thiết yếu thì rõ ràng phải xem lại thuế tiêu thụ đặc biệt. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay thì để cân nhắc xem có thể giảm hoặc như thế nào không. Tốt nhất, các cơ quan quản lý nhà nước nên đưa ra những kịch bản tương đối chi tiết về điều hành xăng dầu.

Khi nó lên 150 USD hoặc cao hơn nữa hoặc giảm xuống bao nhiêu đấy thì tương ứng mình bỏ cái gì, giảm cái gì, sau đó tổng thể các phương án đó cái gì phải xin Quốc hội, cái gì Chính phủ hoặc ở những cơ quan nào đó điều chỉnh cái đấy.

Xin trước tất cả những cái đấy đi, sau đó giao lại cho Chính phủ hoặc giao lại cho liên Bộ điều hành những phương án cụ thể thì nó mới có tác dụng một cách hết sức tốt. Chứ thấy nó cao, nhưng muốn giảm thì lại phải trình Quốc hội chẳng hạn, mất vài tháng sau, khi Quốc hội thông qua rồi thì giá lại tụt xuống chẳng hạn thì cái đấy nó không còn mang tính thời sự nữa rồi."