Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế người sở hữu từ 2 bất động sản

VOVGT - Bộ Tài chính vừa hoàn thành báo cáo chuyên đề về chính sách thuế với bất động sản, trong đó có đề xuất đánh thuế với người sở hữu từ 2 nhà, đất trở lên

Nghe nội dung chi tiết tại đây 

 

Việt Nam hiện có nhiều chính sách thuế liên quan đến tài sản, cụ thể là bất động sản như thuế sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập doanh nghiệp/ cá nhân từ bất động sản, phí trước bạ...). Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, chính sách thuế với tài sản hiện chưa đáp ứng vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước.

Do đó, cơ quan này vừa có một báo cáo chuyên đề để cho thấy việc cần thiết phải xây dựng một Luật Thuế tài sản riêng, góp phần quản lý sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế đầu cơ bất động sản.

Ảnh nh họa

Theo Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng, thuế tài sản là thuế mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Chẳng hạn, với những người có 2-3 nhà thì nhà thứ hai sẽ bị đánh thuế. Trên thực tế, sắc thuế này đã được đề xuất từ hơn 5 năm trước, với tên gọi là thuế nhà ở, nằm trong Luật Thuế nhà đất, song tại thời điểm đó đề xuất này không được Quốc hội thông qua.

Với nhiều nước trên thế giới, thuế bất động sản thường là nguồn thu chính của các đô thị, để nâng cấp, phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng. Còn tại Việt Nam, người dân ở các thành phố lớn trả thuế ít ỏi, không thấm vào đâu so với số tiền mà Chính phủ phải vay vốn ODA hay sử dụng vốn ngân sách để nâng cấp hạ tầng.

Đó là một nghịch lý. Bởi vậy, ngoài việc ngăn chặn đầu cơ hay tham nhũng, việc đánh thuế tài sản này còn giải quyết nhiều vấn đề, bởi đây cũng là một trong những nguồn thu vững chắc, khi nguồn thu tăng lên, thâm hụt ngân sách giảm đi, kéo theo giảm áp lực vay nợ của Chính phủ. GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiều nước trên thế giới có chính sách thuế cao, giá thấp. Còn ở Việt Nam hiện nay thì ngược lại, thuế thấp, giá cao. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong phát triển đô thị, nhiều đô thị bỏ hoang, lãng phí. Bởi vậy, đã đến lúc phải lựa chọn một mô hình hợp lý hơn. GS Đặng Hùng Võ nói:

 

Không chỉ đánh thuế từ căn nhà thứ 2 mà nâng cao thuế đất phi nông nghiệp và nhà ở tại đô thị. Mọi người mua bất động sản thì phải cân nhắc có đủ nộp thuế không, chứ không phải mua rồi để đấy, lãng phí bất động sản lớn. Nếu thuế cao giá thấp thì đô thị bỏ hoang cũng sẽ không còn. Nhà đầu tư cũng phải nghĩ cách đầu tư là phải bán được nhà nếu không thì phải chịu thuế cao. Đó là gánh nặng rất lớn khiến nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư cao hơn. Cần xem xét bài toán toàn diện hơn chứ không chỉ là đánh thuế từ căn nhà thứ 2 thứ 3.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu, việc đánh thuế nhà ở thứ hai là giải pháp tốt để hạn chế đầu cơ bất động sản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng cần xem xét thực tế đối với từng trường hợp cụ thể. Bởi với việc đánh thuế từ nhà thứ 2, thứ 3 nhưng hiện nay ngay tại Tp.HCM có nhiều nhà mua cả 3 căn hộ thì diện tích cũng chỉ xấp xỉ 100m2, trong khi đó, có người mua một căn biệt thự đã lên tới hàng trăm m2. Theo chuyên gia này, câu hỏi đặt ra là liệu có công bằng với những người sở hữu nhiều nhà, diện tích bé bị đánh thuế trong khi có người mua một căn nhà nhưng diện tích lớn lại không bị đánh thuế?

Bên cạnh đó, cũng giống như quan ngại của một số chuyên gia khác, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc làm sao để xác định được đâu là căn nhà thứ ba, căn nhà thứ ba là một việc “cực kỳ khó khăn”.

Trên thế giới, Singapore là một trong những quốc gia đánh thuế suất cho bất động sản thứ 2 cao nhất, thuế tài sản phụ trội được áp rất cao trên bất động sản thứ hai, lên đến 7% trên giá mua nhà và 10% đối với bất động sản thứ ba, áp dụng từ năm 2013. Còn tại Nhật, mức thuế sẽ nằm ở khoảng 1,4% nhưng không quá 2,1%. Giá nhà, đất được xác định phù hợp với giá thị trường. Ba năm điều chỉnh một lần. Tại các nước châu Âu cũng đã áp dụng loại thuế suất cho BĐS.

Cụ thể như tại Anh, quốc gia này vừa áp thuế tài sản phụ trội lên bất động sản thứ hai kể từ ngày 1/4/2016. Cụ thể, với những bất động sản thứ hai có giá trên 40.000 bảng, người mua phải đóng thêm 3% so với mức thuế thông thường. Nhà có giá trên 1,5 triệu bảng, mức thuế lên tới 15%.

Mặc dù đồng tình với việc nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản, nhưng với thông tin đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về tính công bằng, nh bạch khi thực hiện. Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, xu hướng đánh thuế đối với người sở hữu nhiều tài sản và tài sản lớn, nhưng chính định nghĩa tài sản như nhà thứ 2 trở đi lại đang mơ hồ, méo mó và khiên cưỡng. Có trường hợp sở hữu “dinh thự” hàng nghìn mét vuông, hay mua 2-3 nhà rồi làm thông nhau thành một nhà có phải tính thuế không? Còn trường hợp sở hữu nhiều nhà nhưng diện tích nhỏ mà vẫn tính thuế thì liệu có đảm bảo công bằng? Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị:

 

Có 1 nhà nhưng cả trăm tỉ đồng với người có 2 nhà nhỏ cũng bị đánh thuế thì công bằng ở đâu? Chủ trương không khuyến khích chiếm dụng nhiều đất thì diện tích lớn phải bị đánh nhiều hơn. Cần nhiều tiêu chí khác có thể phụ thuộc số người và phải xác định ở mức nào trở lên mới đánh thuế, như thuế thu nhập cá nhân 9 triệu trở lên mới đánh thuế. Ngoài ra nên đánh mức vừa phải và tính theo giá trị tài sản chứ không theo số lượng thì mới công bằng, đảm bảo mục đích của đánh thuế.

Theo các chuyên gia, việc áp dụng đánh thuế vào căn nhà thứ 2 của Việt Nam cũng là cách làm tiệm cận với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc đánh thuế phải đi đôi công khai nh bạch và quản lý được các nguồn thu của cá nhân, mới đảm bảo tính chính xác, công bằng, không gây bức xức trong dư luận.