Bỏ đếm ngược đèn tín hiệu, liệu có làm gia tăng va chạm?

Vừa qua Sở GTVT TP.HCM cho biết đang tiến hành thí điểm không sử dụng đồng hồ đếm ngược tại một số nút giao lớn trên địa bàn thành phố. Đề xuất này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận cũng như cộng đồng lái xe.

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS. TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải (Trường Đại học Việt Đức) để có thêm góc nhìn chuyên môn cũng như các bài học kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.

PV: Xin chào PGS. TS Vũ Anh Tuấn, ông đánh giá như thế nào về đề xuất bỏ đồng hồ đếm ngược ở 1 số nút giao trên địa bàn TP.HCM?

PGS. TS Vũ Anh Tuấn: Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất thí điểm của TP.HCM về việc bỏ hệ thống đồng hồ đếm lùi tại các giao lộ điều khiển bằng đèn tín hiệu.

Về phản ứng của người dân với đề xuất này thì có rất nhiều người chưa hiểu đầy đủ bản chất của việc điều khiển bằng đèn tín hiệu cũng như tác dụng và hiệu quả của việc bỏ hệ thống đếm lùi.

Khi người ta đã quá quen với việc có hệ thống đếm ngược để nắm được thời gian đèn xanh đèn đỏ còn lại để có ứng xử tại nút giao thì khi yêu cầu bỏ thì nhiều người sẽ không thích hoặc có ý kiến phản đối. Ta có thể hiểu từ góc độ tâm lý hành vi là như vậy.


PV: Ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng đồng hồ đếm ngược tại nút giao cũng như những kinh nghiệm tại các quốc gia sau quá trình áp dụng giải pháp này?

PGS. TS Vũ Anh Tuấn: Ý tưởng đồng hồ đếm lùi do các kỹ sư người Mỹ đưa ra với mong muốn khi có đầy đủ thông tin về thời gian còn lại thì người đi đường sẽ đưa ra được quyết định chính xác hơn, an toàn hơn cũng như giảm được việc bị động, xuất phát chậm, tốn kém thời gian.

Tuy nhiên qua thực tế áp dụng ở nhiều quốc gia, đánh giá sau quá trình triển khai thì nhận ra thông tin đó đã bị nhiều người đi đường lạm dụng, vô hình chung khuyến khích các hành vi không an toàn, dẫn đến tỷ lệ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương tại các nút giao có hệ thống đếm lùi tăng cao hơn các nút giao không có hệ thống đếm lùi.

Cách đây hơn 10 năm tại Đài Loan, đã có 1 nghiên cứu tại hơn 200 nút giao sau nhiều tháng quan sát đánh giá trước và sau khi bỏ hệ thống đếm lùi, và phát hiện đưa ra là những nút giao có hệ thống đếm ngược thì tỷ lệ tai nạn va chạm tăng khoảng 20% so với nút giao không có hệ thống đếm ngược.

Lý do là khi có hệ thống đếm lùi, người dân sẽ cố gắng tăng ga để vượt qua nút giao, đi ngược với nguyên tắc khi đi vào nút giao thì phải đi chậm để đảm bảo quan sát được xung quanh, tránh xung đột va chạm với các phương tiện ngược chiều, đi sau hay đi bên cạnh.

Các phát hiện tương tự như vậy cũng được tìm thấy tại các quốc gia Châu Á khác như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc…và các quốc gia này cũng đã bỏ hệ thống đếm lùi từ khá lâu rồi.

PV: Vậy theo ông thì cần làm gì để vừa đảm bảo năng lực thông hành của các nút giao vừa không khiến việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng?

PGS. TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải (Trường Đại học Việt Đức)

PGS. TS Vũ Anh Tuấn: Để nâng cao năng lực thông hành thì phải căn cứ vào lưu lượng xe hoặc thành phần xe ở các hướng vào một cách tức thì. Dựa trên các thông tin đó thì tính toán ra chu kỳ đèn cũng như phân phối thời gian đèn xanh đỏ hợp lý để đảm bảo số lượng phương tiện thoát qua nút ở tất cả các hướng là cao nhất.

Vì thế chu kỳ đèn này luôn luôn biến động và thích ứng kịp thời với lưu lượng xe ở các hướng vào. Nếu cố định chu kỳ đèn thì sẽ dẫn đến giảm khả năng thông hành qua nút giao.

Do vậy, nếu tiếp tục giữ hệ thống đếm lùi thì các chu kỳ đèn không thể nào thay đổi theo thời gian và lưu lượng thực tế. Vì thế, để đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực thông hành của nút giao thông qua việc điều khiển đèn thích ứng với thực tế thì không có cách nào khác ngoài việc phải bỏ hệ thống đếm lùi.

PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!