'Bị' cách ly hay 'được' cách ly?

Trong bối cảnh Đông Nam Á đang bùng phát đợt dịch rất phức tạp, có nước “vỡ trận”, không đủ năng lực tiếp nhận người cách ly, điều trị, rõ ràng, việc còn chỗ để được cách ly, được xét nghiệm, được phục vụ ăn ở, đi lại, được điều trị và trợ cấp từ nhà nước

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp ở các địa phương như Phú Thọ, Đồng Nai, TP.HCM “phá rào” trốn khỏi khu cách ly tập trung. Đối tượng trốn gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài. Phần lớn trong số đó nhập cảnh trái phép, nghĩa là sai phạm “chồng” sai phạm.

Có vô vàn lý do cho quyết định của những người này. Có người sốt ruột chuyện làm ăn bị đình trệ, người đã qua xét nghiệm 1 lần âm tính nên chủ quan, người đơn thuần là bức bối với cuộc sống tẻ nhạt bên trong trại, trốn ra ngoài… chơi game.

Không phủ nhận điều kiện sinh hoạt trong các khu cách ly còn hạn chế, nhưng trong hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc”, cả nước cùng chung lưng đấu cật, thì sự hy sinh, chịu khó chịu khổ của mỗi cá nhân vô cùng quan trọng.

Cần biết, toàn quốc hiện có hơn 22 nghìn người thuộc diện cách ly tập trung. Số lượng người phục vụ hậu cần, chăm sóc y tế, giám sát an ninh trật tự cũng không ít hơn con số ấy. Người chịu cách ly tập trung khó khăn như thế nào, các cán bộ, nhân viên chống dịch khó khăn gấp nhiều lần như thế.

Chỉ một người ích kỷ, không tuân thủ quy định sẽ làm khổ bao người. Nếu người trốn cách ly mang theo mầm bệnh không chỉ bị truy tố mà nghiêm trọng hơn, còn khiến nỗ lực phòng dịch của địa phương đó đổ sông đổ biển.

Trong bối cảnh Đông Nam Á đang bùng phát đợt dịch rất phức tạp, có nước “vỡ trận”, không đủ năng lực tiếp nhận người cách ly, điều trị, rõ ràng, việc còn chỗ để được cách ly, được xét nghiệm, được phục vụ ăn ở, đi lại, được điều trị và trợ cấp từ nhà nước như ở Việt Nam, đó phải được xem là một may mắn.

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người, dịch bệnh thì không chừa bất cứ ai. Do đó, nếu phải đánh đổi một chút bất tiện, một chút thiệt hại, có lẽ, ở nhiều quốc gia, ai cũng mơ ước có được cơ hội đó.

“Bị” cách ly với người này lại là “được” cách ly với người khác.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: