Bệnh viện công làm dịch vụ, quản thế nào để không ảnh hưởng đến người nghèo?

Vừa qua Quốc hội đã hoãn việc thông qua dự án Luật khám chữa bệnh sửa đổi với lý do, phải làm rõ vấn đề tài chính trong y tế.

Điều khiến nhiều người dân quan tâm, là khi các bệnh viện công làm dịch vụ, thì cần quản lý thế nào để tránh việc lạm dụng cơ sở vật chất của khám chữa bệnh thông thường, từ đó ảnh hưởng đến cơ hội  khám chữa bệnh của người nghèo?           

PV VOV Giao thông đối thoại với ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, liên quan đến quy định cho phép bệnh viện công làm dịch vụ trong dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi, quan điểm của ông thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Hiện tại vẫn đang cho phép khám chữa bệnh theo yêu cầu, bao gồm các dịch vụ y tế và phi y tế, nó có những mặt tích cực và mặt trái.

Chính vì vậy dự thảo luật sẽ sửa theo hướng khám chữa bệnh yêu cầu đối với các dịch vụ phi y tế, tức là những dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cho bệnh nhân chứ không phải dịch vụ điều trị.

Còn các vấn đề như: thuốc, các kỹ thuật dịch vụ cơ bản…khi bệnh nhân vào bệnh viện công lập đều được hưởng giống nhau. 

Ảnh nh họa baochinhphu

 

PV: Thực tế cho thấy một số bệnh viện công đã và đang thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu và đang gặp không ít khó khăn, theo ông đâu là nút thắt?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Trong thời gian qua nguồn lực ngân sách có hạn nên phải huy động thêm nguồn lực xã hội tham gia vào, thông qua việc liên doanh liên kết. Những hoạt động này đã làm tăng điều kiện thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại, phục vụ cho bệnh nhân khi có yêu cầu.

Tuy nhiên một số tiêu cực, mặt trái đã bộc lộ và xảy ra. Bên cạnh đó còn xuất hiện vấn đề công bằng trong khám chữa bệnh. Ví dụ như cơ sở vật chất của bệnh viện công hiện có hạn, nhưng lại dành một số phòng cho hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Rõ ràng nhiều người bệnh đã phải nhường giường, nhường phòng, tức là bị hạn chế giường phòng để dành cho những người khám chữa bệnh theo yêu cầu, trong khi đây là cơ sở vật chất hoàn toàn do nhà nước đầu tư, đây là một sự bất cập.

Do đó, chúng tôi định hướng theo hướng những dịch vụ đó phải là dịch vụ phi y tế và đầu tư tách biệt hoàn toàn với những cái mà nhà nước đầu tư.    

PV: Vậy theo ông cần quy định cụ thể thế nào để tránh việc lạm dụng, trưng dụng cơ sở vật chất, nhân lực  tại các bệnh viện công để phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh dịch vụ, không ảnh hưởng đến cơ hội khám chữa bệnh của người nghèo?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Luật khám chữa bệnh sẽ sửa đổi đồng bộ một số nội dung, trong đó sửa cơ chế tài chính là quan trọng nhất. Trong đó giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh sẽ sửa theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố hình thành giá, để bảo đảm bù đắp được các chi phí trong việc thực hiện khám bệnh chữa bệnh.

Khi đã tính đầy đủ các yếu tố hình thành giá thì việc khám chữa bệnh theo yêu cầu như vừa qua chắc chắn sẽ triệt tiêu.

Sau này Luật khám chữa bệnh sửa đổi thông qua, Chính phủ sẽ quy định, hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức các dịch vụ khám bệnh chữa bệnh theo yêu cầu, từ điều kiện cơ sở vật chất cho đến con người như thế nào mới được tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu.

PV: Xin cảm ơn ông.